Thuận lợi cho các bên tham gia đấu thầu

(BĐT) - Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành khảo sát và tham vấn đại diện các cơ quan, đơn vị về việc xây dựng Hệ thống danh mục sản phẩm (e-catalogue) cho Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Tại TP.HCM, phản hồi từ nhiều đơn vị cho thấy, việc nhanh chóng xây dựng e-catalogue có vai trò rất quan trọng, quyết định nhiều đến hiệu quả của đấu thầu qua mạng.
Xây dựng danh mục sản phẩm sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đấu thầu thuốc. Ảnh: Lê Tiên
Xây dựng danh mục sản phẩm sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đấu thầu thuốc. Ảnh: Lê Tiên

Phải định danh sản phẩm hàng hóa

Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vào ngày 21/4 vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo phải đẩy nhanh cải cách hành chính, tích cực triển khai đấu thầu qua mạng để đưa công tác đấu thầu ngày càng công khai, minh bạch hơn. Để hiện thực hóa mục tiêu này, một trong những nhiệm vụ được xác định cần triển khai là sớm xây dựng Danh mục e-catalogue cho Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Theo Cục Quản lý đấu thầu, triển khai đấu thầu qua mạng đang được nhiều địa phương và đơn vị trong cả nước quan tâm và xây dựng lộ trình áp dụng. Khi triển khai đấu thầu qua mạng, định danh hàng hóa là một khâu vô cùng quan trọng vì hồ sơ hàng hóa, sản phẩm cung cấp sẽ được công khai. Điều này có ý nghĩa với tất cả các bên có liên quan trong đấu thầu, từ bên mời thầu, nhà thầu đến cơ quan quản lý nhà nước.

Liên quan đến việc định danh sản phẩm hàng hóa, Bộ Tài chính cho rằng, hoạt động chi mua sắm thường xuyên chủ yếu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh. Do đó, việc định danh cho hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường là rất cần thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong triển khai đấu thầu qua mạng. Việc định danh sản phẩm hàng hóa sẽ đi từ những sản phẩm cơ bản nhất ở mọi lĩnh vực mà ngân sách thường xuyên chi để mua sắm.

“Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 58/2016/TT-BTC quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước. Thông tư này sẽ tạo đà thuận lợi cho việc định danh sản phẩm hàng hóa cho Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia” - đại diện Bộ Tài chính thông tin.

Về phía Bộ KH&ĐT, Cục Quản lý đấu thầu cho biết, việc định danh sản phẩm hàng hóa nhằm hướng đến xây dựng e-catalogue cho Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã được khảo sát tại các tỉnh, thành phố là Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Bình Dương và TP.HCM. Riêng tại TP.HCM, phản hồi từ các đơn vị cho thấy, có đầy đủ cơ hội để triển khai tốt việc xây dựng e-catalogue. Đây là tín hiệu tích cực vì TP.HCM là địa phương sử dụng vốn cho việc mua sắm thường xuyên rất lớn và cũng là địa phương có sự cạnh tranh cao giữa các nhà cung cấp.

Phát huy vai trò của đấu thầu qua mạng

Hoạt động chi mua sắm thường xuyên chủ yếu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh nên việc định danh cho hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường là rất cần thiết
Ý kiến tham vấn của các chuyên gia cho rằng, hiện nay, một số lĩnh vực có thể xếp vào diện ưu tiên khi tiến hành định danh e-catalogue như điện, y tế và mua sắm phục vụ phát triển sự nghiệp.

Tổng công ty Điện lực TP.HCM, đơn vị đi đầu trong việc áp dụng đấu thầu qua mạng với khoảng 230 gói thầu mỗi năm được triển khai theo hình thức này cho biết, tại Tổng công ty Điện lực TP.HCM, đấu thầu qua mạng được áp dụng cho nhiều gói mua sắm vật tư thiết bị, xây lắp quy mô nhỏ. “Tổng công ty đã từng tổ chức đấu thầu qua mạng cho 20 gói thầu trong cùng một thời điểm và chính nhờ hình thức đấu thầu này đã giúp chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian, nhân lực”, đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM chia sẻ.

Vị đại diện này cũng cho biết, hiện 24 đơn vị trực thuộc của Tổng công ty Điện lực TP.HCM đều chủ động áp dụng đấu thầu qua mạng cho các gói thầu của mình và hiệu quả đạt được là rất đáng ghi nhận. Với việc áp dụng thường xuyên hình thức đấu thầu này mà đến nay, Tổng công ty có thể xây dựng được 18 Danh mục sản phẩm e-catalogue hàng hóa hàng năm dựa vào tần suất mua sắm, sử dụng tạo thuận lợi cho các bên tham gia đấu thầu. “Việc xây dựng danh mục e-catalogue sẽ phát huy rất nhiều vai trò thực tế của đấu thầu qua mạng”, đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM nhận định.

Có chung nhận định với Điện lực TP.HCM, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, mỗi năm, Bệnh viện chi khoảng 2.000 tỷ đồng để mua thuốc phục vụ bệnh nhân. Nếu xây dựng được e-catalogue cho lĩnh vực thuốc, có tích hợp với nguồn dữ liệu của Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế thì sẽ rất thuận lợi cho các bệnh viện và các nhà thầu cung cấp thuốc.

Chia sẻ vấn đề này, Sở Y tế TP.HCM cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng và thống nhất danh mục e-catalogue để các bệnh viện có chuẩn chung khi đấu thầu mua thuốc. Xây dựng được danh mục này sẽ xóa bớt khó khăn trong đấu thầu thuốc do thông tin chưa đầy đủ, tính cập nhật chưa cao của dữ liệu thuốc hiện nay. Điều tích cực nữa là khi tham gia e-catalogue, cam kết trách nhiệm của nhà sản xuất và nhà cung ứng thuốc càng được nâng lên vì chế tài ràng buộc rất rõ ràng.

Ông Nguyễn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu chia sẻ, xây dựng e-catalogue cho Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia phải bắt đầu từ cái chung để giải quyết cái riêng cho các lĩnh vực cụ thể và không thể vì đặc thù mà chậm chạp trong việc này. Việc các đơn vị tại TP.HCM đi đầu trong nỗ lực xây dựng hệ thống danh mục sản phẩm cho Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia có vai trò rất quan trọng trong đẩy nhanh tiến độ của kế hoạch phát triển đấu thầu qua mạng.

Chuyên đề