Tăng quyền chủ động cho nhà thầu

(BĐT) - Sau gần 3 tháng có hiệu lực, Thông tư số 23/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu (TT23) chính thức đã phát huy tác dụng. Báo Đấu thầu ghi nhận ý kiến phản ánh từ nhà thầu về tinh thần “cởi mở”, “tăng quyền chủ động” bởi những quy định mới của Thông tư.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực sự “cởi trói” cho các nhà thầu

Thông tin với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện một nhà thầu chuyên về mảng xây lắp, hỗn hợp bày tỏ niềm vui rất lớn của mình những ngày qua: “Nhà thầu chúng tôi như được cởi trói và tạo thuận lợi rất nhiều khi đi đấu thầu từ nay về sau. TT23 giải quyết được một vấn đề khá bất cập của công tác đấu thầu, nhất là khâu đánh giá hồ sơ dự thầu của các tư vấn. Đó chính là giảm được nhiều tính bị động của nhà thầu dự thầu, được xét trúng thầu và đang trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng”. Điều tâm đắc của các nhà thầu được cụ thể với quy định tại Khoản 3, Điều 5, cụ thể là: “Trường hợp nhà thầu cùng lúc tham dự thầu nhiều gói thầu và được đánh giá xếp hạng thứ nhất đối với gói thầu này đồng thời trúng thầu ở một hoặc nhiều gói thầu khác thì chủ đầu tư, bên mời thầu phải làm rõ khả năng thực hiện gói thầu của nhà thầu này trong quá trình thương thảo, hoàn thiện hợp đồng”. Theo các nhà thầu xây lắp, với quy định này, tính chủ động của nhà thầu sẽ được nâng lên rất nhiều trong các gói thầu mình dự thầu trong giai đoạn thương thảo hợp đồng. Trước đây, khi chưa có quy định này, nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu áp dụng máy móc mẫu hồ sơ mời thầu nên đã loại bỏ rất nhiều nhà thầu có đủ năng lực dù đã bước vào giai đoạn thương thảo hợp đồng.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Xí nghiệp Xây lắp 3/2 cho biết, theo mẫu HSMT  được ban hành theo Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT, phần Bảng đề xuất nhân sự chủ chốt được quy định rất cụ thể. Theo đó, nhà thầu phải kê khai những nhân sự chủ chốt có năng lực phù hợp đáp ứng các yêu cầu quy định tại Mục 2.2 Chương III – Tiêu chuẩn đánh giá HSDT và có thể sẵn sàng huy động cho gói thầu; không được kê khai những nhân sự đã huy động cho gói thầu khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu này. Trường hợp kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là gian lận. Mẫu HSMT cũng quy định: Đối với thiết bị thi công, nhà thầu chỉ được kê khai những thiết bị thi công chủ yếu đáp ứng yêu cầu đối với các thiết bị chính như đã nêu trong danh sách theo yêu cầu quy định tại Mục 2.2 Chương III- Tiêu chuẩn đánh giá HSDT mà có thể sẵn sàng huy động cho gói thầu; không được kê khai những thiết bị đã huy động cho gói thầu khác có thời gian huy động trùng với thời gian thực hiện gói thầu này. Trường hợp kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là gian lận.

Tuy nhiên, có một thực tế mà rất nhiều nhà thầu gặp phải, đó là nhiều chủ đầu tư, đặc biệt là tư vấn chấm thầu áp dụng mẫu HSMT này rất cứng nhắc, không tạo điều kiện để nhà thầu được làm rõ khả năng hoàn thiện hợp đồng. ‘‘Nhân sự và thiết bị của nhà thầu thì việc sử dụng, sắp xếp như thế nào hiệu quả nhất là việc của nhà thầu. Hợp đồng quy định rõ trách nhiệm của nhà thầu đối với từng hạng mục, khối lượng công việc. Do đó, bản thân nhà thầu hiểu hơn ai hết, và biết cách hơn ai hết để bố trí nhân sự và thiết bị cho từng gói thầu mà mình trúng thầu. Tuy nhiên, chỉ vì chúng tôi đã và đang trúng các gói thầu khác cùng thời điểm mà bị đánh trượt. Hoặc, nếu bị phát hiện kê khai nhân sự, thiết bị ở gói thầu khác cùng thời điểm lại bị đánh giá là gian lận thì rất oan ức và không có tinh thần hỗ trợ cho nhà thầu phát triển. Là nhà thầu mà nhân sự và thiết bị chỉ để phục vụ một gói thầu thì không phát huy hết giá trị. Quy định mới này đã tạo điều kiện rất mở cho các nhà thầu chịu khó, chăm chỉ làm ăn hơn bao giờ hết”, ông Thái Bá Hiệp, Giám đốc công ty xây dựng Thái Gia (Biên Hòa, Đồng Nai) nhấn mạnh.

Tư vấn cần khách quan và lắng nghe

Nếu nhà thầu được chủ động hơn trong quá trình làm rõ khả năng thực hiện gói thầu, sẽ rất có lợi cho cả hai phía, nhất là cho ngân sách. Còn nếu chỉ chấm thầu dựa theo những tiêu chí cứng, rất dễ để loại bỏ nhà thầu nhiều kinh nghiệm, thực lực mạnh để chọn những nhà thầu vô danh, ít kinh nghiệm”
Điều quan ngại nhất mà các nhà thầu xây lắp, hỗn hợp bày tỏ là cách hiểu và thực thi TT23 của các chủ đầu tư/bên mời thầu, đặc biệt là các tư vấn tổ chức đấu thầu. Lâu nay, việc tổ chức đấu thầu vẫn còn tình trạng chủ đầu tư/bên mời thầu luôn ở “chiếu trên”, còn nhà thầu chỉ xếp “chiếu dưới”. Cơ hội được làm rõ, được thương thảo và hoàn thiện hợp đồng của các nhà thầu ít được thực hiện. “Do đó, khi TT23 có hiệu lực, chúng tôi chỉ sợ các đơn vị tư vấn tổ chức đấu thầu không hiểu, hiểu sai hoặc cố tình lờ đi nội dung rất đột phá này. Nếu nhiều tư vấn đấu thầu vẫn áp dụng mẫu HSMT một cách khiên cưỡng như trước mà không cập nhật những quy định mới của TT23, sẽ còn rất nhiều nhà thầu không có cơ hội làm rõ, bị đánh trượt oan ức”, đại diện Xí nghiệp xây lắp 3/2 chia sẻ.

Đại diện Hiệp hội nhà thầu xây dựng Bình Định, ông Bùi Tấn Lực cũng đồng quan điểm, cần xác định lại mối quan hệ giữa chủ đầu tư – nhà thầu trong các gói thầu khi thương thảo, hoàn thiện hợp đồng để việc triển khai công tác lựa chọn nhà thầu thực sự hiệu quả. “Nếu nhà thầu được chủ động hơn trong quá trình làm rõ khả năng thực hiện gói thầu, sẽ rất có lợi cho cả hai phía, nhất là cho ngân sách. Còn nếu chỉ chấm thầu dựa theo những tiêu chí cứng, rất dễ để loại bỏ nhà thầu nhiều kinh nghiệm, thực lực mạnh để chọn những nhà thầu vô danh, ít kinh nghiệm”, ông Lực cho biết.

Vừa qua, Công ty Điện lực Củ Chi (TP.HCM) đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu đối với 4 gói thầu do đơn vị này mời thầu. Theo đó, Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ - Xây lắp – Viễn thông Thái Bình Dương trúng cả 4 gói thầu. Theo đánh giá của một số chuyên gia về đấu thầu, xét về nhiều góc độ, Điện lực Củ Chi đã hiểu đúng tinh thần của TT23, khi tạo điều kiện để nhà thầu trúng thầu làm rõ khả năng hoàn thiện hợp đồng, huy động nhân sự, thiết bị cùng lúc cho 4 gói thầu. Đây là động lực lớn để cho các nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ, các nhà thầu xây lắp hiện nay.

Chuyên đề