Thua lỗ triền miên, Vinafood 2 cầu cứu Chính phủ

(BĐT) - Theo số liệu tại báo cáo về Quỹ Tiền lương, thù lao và tiền thưởng của Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), mức thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên năm 2015 chỉ ở mức 5,8 triệu đồng/người/tháng. 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Tuy nhiên, thu nhập bình quân của 11 viên chức quản lý lại đạt 29,6 triệu đồng/người/tháng. Đáng chú ý hơn cả là mức thu nhập dự kiến của vị trí này năm 2016 lên tới 45,5 triệu đồng/người/tháng, gấp rưỡi năm 2015.

Mức thu nhập nói trên không phải quá cao với các vị trí quản lý. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp như thế nào mới là vấn đề đáng quan tâm.

Thua lỗ nghìn tỷ

Tính đến cuối năm 2015, căn cứ báo cáo sau kiểm toán, Vinafood 2 lỗ tới 1.063 tỷ đồng. Kết quả có được nhờ sự “đóng góp” chủ yếu của 2 khoản lỗ khủng năm 2013 và 2014 (lần lượt lỗ 269 tỷ đồng và 890 tỷ đồng trước thuế). Đến năm 2015, tình hình có cải thiện đôi chút, Vinafood 2 lãi trước thuế 26,5 tỷ đồng, nhưng lại lỗ sau thuế 9 tỷ đồng.

Với một doanh nghiệp có doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm, việc thua lỗ của Vinafood 2 quả là một điều vô cùng đáng tiếc. Trong các chi phí của Tổng công ty, gánh nặng nhất phải kể đến là chi phí bán hàng, cụ thể là chi phí dịch vụ mua ngoài ở mức trên 2.000 tỷ mỗi năm. Riêng chi phí này đã làm “đổ sông đổ biển” những nỗ lực của Vinafood 2. Theo quy định tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC, chi phí này bao gồm các chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho bán hàng như: chi phí thuê ngoài sửa chữa tài sản cố định phục vụ khâu bán hàng; tiền thuê kho, thuê bãi, thuê bốc vác, vận chuyển sản phẩm, hàng hóa đi bán; tiền trả hoa hồng cho đại lý, cho đơn vị nhận ủy thác xuất khẩu…

Kết quả kinh doanh bê bết của Vinafood 2 không quá khó hiểu khi thị trường kinh doanh, xuất khẩu lương thực vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Ngay từ quý I/2015, nhu cầu của các nước nhập khẩu giảm mạnh trong khi nguồn cung dư thừa do tồn kho lương thực của Thái Lan nhiều, cộng thêm động thái sẵn sàng xả hàng để giải phóng hàng tồn kho đang xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó, Trung Quốc, thị trường lớn của Việt Nam, cũng thay đổi cơ chế nhập khẩu thông qua các điều kiện hạn ngạch nhập khẩu và kiểm soát mua bán không chính thức qua biên giới.

Năm 2016, Vinafood 2 lên kế hoạch lợi nhuận 160 tỷ đồng. Sau khoản lỗ không nhỏ (của riêng công ty mẹ) nửa đầu năm, việc hoàn thành kế hoạch hợp nhất của Tổng công ty là một thách thức khi doanh nghiệp này phải gánh một loạt công ty con làm ăn bết bát như Công ty Lương thực Bến Tre, Công ty TNHH MTV Lương thực TP.HCM, Công ty Bột mì Bình Đông…

Biến động Doanh thu - Lợi nhuận trước thuế của Vinafood 2 trong 4 năm gần đây. Số liệu 6 tháng đầu năm của riêng công ty mẹ (Đơn vị: tỷ đồng)

Lằng nhằng các khoản nợ

Về nợ vay, tính đến cuối năm 2015, Vinafood 2 có số dư 5.338 tỷ đồng, tương đương 48,5% giá trị tổng tài sản tại cùng thời điểm. Trong đó phần lớn nợ vay (5.201 tỷ đồng) là nợ vay ngắn hạn. Có nghĩa là trong năm 2016, Vinafood 2 phải hoàn tất thanh toán nếu không kịp tái cơ cấu hoặc gia hạn nợ. Phần lớn các khoản nợ vay của Vinafood 2 đều được bảo đảm bằng tín chấp.

Cũng tại thời điểm cuối năm 2015, Vinafood 2 có số dư phải thu ngắn hạn 1.591 tỷ đồng. Con số không quá lớn, nhưng chất lượng các khoản phải thu là vấn đề đáng bàn. Doanh nghiệp này đã phải trích lập tới 323 tỷ đồng dự phòng cho các khoản phải thu khó đòi.

Đáng kể nhất là khoản phải thu Hỗ trợ Chính phủ Cuba 575 tỷ đồng. Đây là giá trị hàng viện trợ cho Chính phủ Cuba, tương ứng 25,6 triệu USD, của Chính phủ Việt Nam. Vì vậy, tương ứng với khoản phải thu này là khoản phải trả dài hạn với giá trị tương đương.

Được biết, Vinafood 2 đã xin Chính phủ cơ chế đặc thù để xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi liên quan đến một số doanh nghiệp. Theo thống kê của Báo Đấu thầu, giá trị các khoản phải thu được xin cơ chế đặc thù khoảng 500 tỷ đồng, trong đó giá trị có thể thu hồi chỉ trên 200 tỷ đồng. Chưa rõ nội dung cơ chế đặc thù mà Vinafood 2 nhắc đến là như thế nào.

Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan chủ quản Vinafood 2) chỉ đạo doanh nghiệp này sớm trình phương án cổ phần hóa. Với tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa, việc cổ phần hóa của Vinafood 2 có lẽ khó tiến hành trong ngày một ngày hai.    

Chuyên đề