Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương

0:00 / 0:00
0:00
Tiếp tục chuyến công tác dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ, thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc (LHQ), sáng ngày 16/5, tại trụ sở LHQ thành phố New York Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Phó Tổng Thư ký LHQ, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed - Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed - Ảnh: VGP

Tại cuộc gặp Phó Tổng Thư ký LHQ, bà Amina Mohammed, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2022 có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ – Đối tác tin cậy hàng đầu vì hoà bình, hợp tác phát triển trên thế giới và Người bạn tin cậy, gắn bó lâu dài của Việt Nam trong mọi chặng đường phát triển đất nước. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp tích cực và xây dựng hơn nữa vào công việc chung của LHQ ở cả 3 trụ cột an ninh – chính trị, phát triển và quyền con người.

Nhân dịp này, Thủ tướng chuyển đến lãnh đạo LHQ những tình cảm hữu nghị, chân thành nhất và sự tri ân sâu sắc của Chính phủ, nhân dân Việt Nam đối với những đóng góp, hỗ trợ quý báu của LHQ đối với Việt Nam hơn 4 thập kỷ qua; trân trọng chuyển lời mời Tổng Thư ký LHQ António Guterres và các lãnh đạo LHQ thăm Việt Nam trong năm nay để tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và LHQ

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương và một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống quản trị toàn cầu, cho rằng cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện để xử lý các thách thức chung như dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng ủng hộ tăng cường quan hệ giữa LHQ, nghị viện các quốc gia thành viên và Liên minh Nghị viện thế giới để tranh thủ được sự ủng hộ của kênh lập pháp đối với chương trình nghị sự của LHQ.

Thủ tướng cho biết Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ, toàn diện ba đột phá chiến lược để hiện thực hoá mục tiêu đưa đất nước trở thành nước công nghiệp, có thu nhập cao vào năm 2045; mong muốn tiếp tục đồng hành và hỗ trợ hiệu quả, trong đó có việc hỗ trợ triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trao đổi về ứng phó với đại dịch COVID-19, Thủ tướng cho biết Việt Nam đã nỗ lực và triển khai thành công chiến lược tiêm chủng, kịp thời chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để mở cửa nền kinh tế, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Thủ tướng đề nghị LHQ tiếp tục quan tâm hỗ trợ các nước đang phát triển trong ứng phó với đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội và tư vấn chính sách, phục hồi theo hướng xanh, bền vững, tự cường hơn.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam quyết tâm triển khai các cam kết tại Hội nghị COP26, và đề nghị LHQ hỗ trợ Việt Nam trong thiết lập quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng với các nước G7, xây dựng chiến lược tài chính khí hậu để huy động hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ các đối tác phát triển quốc tế.

Thủ tướng đề nghị LHQ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam hoàn thành các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), trong đó có các mục tiêu như bình đẳng giới, năng lượng sạch, tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững; khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia trao đổi, tham vấn rộng rãi tại LHQ để xem xét việc triển khai các đề xuất trong Báo cáo của Tổng Thư ký LHQ về Chương trình Nghị sự chung của Chúng ta, qua đó thúc đẩy các thỏa thuận quốc tế lớn hiện nay.

Thủ tướng nêu rõ Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong việc cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ, đề nghị LHQ tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời tiếp tục hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, nhất là rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, Thủ tướng vui mừng nhận thấy quan hệ đối tác ASEAN-LHQ tiếp tục được tăng cường, đề nghị LHQ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực, trong đó có việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), và hỗ trợ Myanmar ổn định tình hình thông qua đối thoại và hoà giải, bảo đảm an toàn cho người dân, tiếp cận nhân đạo.

Về Ukraine, Thủ tướng khẳng định cần thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình lâu dài trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, tôn trọng và có tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan, đồng thời thông báo Việt Nam đã quyết định ủng hộ 500.000 đô la cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo[1] để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Ukraine và sẵn sàng đóng góp tích cực cho tiến trình ngoại giao, đối thoại và đàm phán, cũng như trong tái thiết và phục hồi tại Ukraine.

Về phần mình, Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng và là người bạn của LHQ và mong muốn hai bên tiếp tục phát triển quan hệ một cách toàn diện, hiệu quả hơn nữa. Phó Tổng Thư ký tỏ rất ấn tượng trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam cùng với những chính sách, nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

Bà đánh giá cao những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của LHQ, nhất là trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, tiếng nói của Việt Nam rất quan trọng cho đoàn kết quốc tế trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều khủng hoảng và khác biệt, Việt Nam luôn có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ chủ nghĩa đa phương, hoà bình và cải cách LHQ, tham gia có trách nhiệm vào lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, triển khai hiệu quả các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và nỗ lực thực hiện cac cam kết chống biến đổi khí hậu, nhất là tại Hội nghị COP26 vừa qua; thúc đẩy hợp tác phát triển vì lợi ích chung của cộng đồng,

Bà Phó Tổng thư ký khẳng định LHQ sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các ưu tiên phát triển của Việt Nam theo hướng xanh, bền vững và tự cường hơn; bày tỏ chia sẻ quan điểm của Việt Nam về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, đồng thời mong muốn quan hệ đối tác ASEAN-LHQ sẽ tiếp tục được củng cố vì lợi ích hoà bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, bảy tỏ kỳ vọng Việt Nam phát huy mạnh mẽ vai trò đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu tương xứng với năng lực vị trí của mình.

Thủ tướng gặp Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Abdulla Shahid

Tại cuộc gặp với Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Abdulla Shahid, Thủ tướng khẳng định Việt Nam rất coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ trong quản trị toàn cầu, điều phối và dẫn dắt các nỗ lực đa phương, khởi xướng và đề xuất các giải pháp toàn cầu để ứng phó với các thách thức chung của cộng đồng quốc tế - Ảnh: VGP

Tại cuộc gặp với Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Abdulla Shahid, Thủ tướng khẳng định Việt Nam rất coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ trong quản trị toàn cầu, điều phối và dẫn dắt các nỗ lực đa phương, khởi xướng và đề xuất các giải pháp toàn cầu để ứng phó với các thách thức chung của cộng đồng quốc tế - Ảnh: VGP

Tại cuộc gặp với Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Abdulla Shahid, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ưu tiên của Đại Hội đồng LHQ Khoá 76 trong lĩnh vực phát triển bền vững, phục hồi sau đại dịch, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải cách LHQ.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam rất coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của LHQ trong quản trị toàn cầu, điều phối và dẫn dắt các nỗ lực đa phương, khởi xướng và đề xuất các giải pháp toàn cầu để ứng phó với các thách thức chung của cộng đồng quốc tế như dịch bệnh, biến đổi khí hậu. Thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào công việc chung của LHQ, trong đó có việc vừa hoàn thành trọng trách Uỷ viên Không thường trực Hội đồng Bảo an và đang tiếp tục ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 và một số cơ quan quan trọng khác của LHQ thời gian tới.

Việt Nam ủng hộ quá trình cải tổ LHQ để tổ chức này hoạt động dân chủ, minh bạch hơn và ứng phó tốt hơn trước các thách thức toàn cầu, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đa số thành viên là các nước đang phát triển; ủng hộ nâng cao vai trò quan trọng của Đại Hội đồng và tăng cường quan hệ của các cơ quan khác với Đại Hội đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó và thích ứng với đại dịch COVID-19 trong điều kiện bình thường mới, đồng thời đề nghị LHQ tiếp tục quan tâm thúc đẩy các ưu tiên hỗ trợ các nước đang phát triển về hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc điều trị, vật tư y tế, tài chính cho phát triển, bảo đảm an sinh xã hội và tư vấn chính sách, kinh nghiệm phục hồi sau đại dịch theo hướng xanh, bền vững và tự cường hơn.

Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết triển khai các cam kết tại Hội nghị COP26, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; mong LHQ thúc đẩy các nước đang phát triển thực hiện đầy đủ cam kết về hỗ trợ cho các nước đang phát triển, nhất là về tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh là quốc gia ven biển, Việt Nam đặc biệt coi trọng tăng cường an ninh biển, trong đó có bảo tồn, sử dụng biển, khai thác các tài nguyên biển bền vững, bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định, và đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS); mong muốn Chủ tịch Đại Hội đồng quan tâm, thúc đẩy vấn đề này một cách phù hợp vì đây là quan tâm chung, chính đáng của đông đảo các nước thành viên LHQ.

Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc: Abdulla Shahid: Việt Nam là câu chuyện thành công của 1 quốc gia đã vượt qua xuất phát điểm gặp nhiều khó khăn để vượt lên có nhiều thành quả đáng tự hào - Ảnh: VGP

Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc: Abdulla Shahid: Việt Nam là câu chuyện thành công của 1 quốc gia đã vượt qua xuất phát điểm gặp nhiều khó khăn để vượt lên có nhiều thành quả đáng tự hào - Ảnh: VGP

Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Abdulla Shahid bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu kinh tế-xã hội vượt bậc của Việt Nam và thành công trong lĩnh vực phòng chống đại dịch COVID-19 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, nhất là chiến lược thích ứng an toàn, phục hồi và phát triển theo hướng xanh, bền vững và bao trùm; chúc mừng và cho rằng Việt Nam là câu chuyện thành công của 1 quốc gia đã vượt qua xuất phát điểm gặp nhiều khó khăn để vượt lên có nhiều thành quả đáng tự hào, nổi bật về kinh tế xã hội, ứng phó với dịch bệnh; là một trong những quốc gia hình mẫu của LHQ, có nhiều đóng góp quan trọng củng cố chủ nghĩa đa phương và tham gia công việc của LHQ, đặc biệt là tích cực thúc đẩy thực hiện các cam kết toàn cầu như triển khai các Mục tiêu Phát triển Bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Đại Hội đồng đặc biệt đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về Ngày Quốc tế về Phòng chống Dịch bệnh 27/12[2]; khẳng định quan tâm thúc đẩy triển khai hợp tác ASEAN-LHQ đáp ứng mong muốn, lợi ích chung; có nhiều đống góp quan trọng củng cố chủ nghĩa đa phương và tham gia công việc của LHQ.

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai bên nhấn mạnh nhu cầu tăng cường chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế để ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, đặc biệt là dịch bệnh và biến đổi khí hậu; chia sẻ mong muốn sớm chấm dứt xung đột ở Ukraine bằng giải pháp hoà bình, bảo đảm an ninh, an toàn của người dân, tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo; đề cao việc tuân thủ Hiến chương và luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề khu vực.

Chuyên đề