Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đổi mới sáng tạo là chìa khóa thành công, lợi khí phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 (VIIE 2021) và khởi công Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) diễn ra sáng nay (9/1), tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo (ĐMST) là yếu tố nội sinh quan trọng, là yếu tố quyết định tăng trưởng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đổi mới sáng tạo là chìa khóa thành công, lợi khí phát triển

Bày tỏ vui mừng trước sự kiện khai mạc VIIE 2021 và khởi công NIC ngay trong những ngày đầu năm mới với sự tham gia đông đảo của đại biểu, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặc biệt là những người trẻ, Thủ tướng cho biết, 20 năm trở lại đây, thực tế đã chứng minh, ĐMST có vai trò quan trọng, động lực quan trọng đối với tăng năng suất, tăng trưởng, phát triển kinh tế quốc gia trong dài hạn. Vì lẽ đó, ĐMST là chìa khóa thành công, trở thành lợi thế, lợi khí trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và vùng lãnh thổ. Đảng và Nhà nước nước ta sớm nhận ra vai trò quyết định của ĐMST trong đổi mới mô hình tăng trưởng thiết thực tạo nền tảng hướng tới tăng trưởng cao, tạo việc làm chất lượng. Đặc biệt, Nghị quyết số 52 năm 2019 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh phát triển hệ thống ĐMST quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ sinh thái ĐMST Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ số, kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo buộc chúng ta phải thích nghi và hành động mạnh mẽ hơn nữa.

Điểm lại kết quả nổi bật của kinh tế nước ta năm 2020, Thủ tướng cho biết, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng bức tranh này vẫn có nhiều điểm sáng. Dẫn lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng cho biết: “Tổng Bí thư , Chủ tịch nước đã khẳng định năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019 và được xem là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt”. Theo đó, Việt Nam được cộng đồng quốc tế vinh danh là một trong những nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh tại châu Á với tốc độ tăng GDP trung bình 10 năm (2011 - 2020) đạt gần 6,3%. Năm 2020, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế mới nổi thành công nhất, thực hiện thành công mục tiêu kép đẩy lùi đại dịch Covid-19 và đạt mức tăng trưởng dương gần 3%, nằm trong nhóm những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới với kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc, các chỉ số lạm phát, nợ công… đều giảm mạnh theo xu thế bền vững.

Khu vực kinh tế tư nhân đã có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào GDP. Đặc biệt 130 ngàn doanh nghiệp mới được thành lập mới, trong đó có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

Quan trọng nhất là uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam ngày một gia tăng trên trường quốc tế, đời sống vật chất và tinh thần của người dân phong phú, khá giả hơn kể cả ở vùng nông thôn, miền núi và hải đảo...

“Những kết quả trên cho thấy một triển vọng kinh tế rất tươi sáng phía trước; niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư ểrong nước và quốc tế về sự phục hồi kinh tế của Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ”, Thủ tướng khẳng định.

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng lần thứ XIII đặt ra mục tiêu phát triển của Việt Nam là: “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Thủ tướng chia sẻ, đây là khát vọng, là điểm tầm nhìn chung cho cả dân tộc vươn lên. Và trên con đường tới đích, vẫn còn rất nhiều chông gai, thách thức, tiềm ẩn những nguy cơ của “bẫy thu nhập trung bình’’ và tụt hậu. “Ta tiến, nhưng thế giới chắc chắn không chờ chúng ta. Và vì thế phải ĐMST, phải có khát vọng về một Việt Nam hùng cường thành hiện thực mạnh mẽ hơn”.

Theo Thủ tướng, để thực hiện mục tiêu, khát vọng trên chúng ta phải dựa vào tri thức, khoa học công nghệ, và đặc biệt là ĐMST, đây là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ mới cùng với nguồn nhân lực phù hợp (có khả năng sử dụng, kiểm soát và sáng tạo công nghệ mới) là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để chúng ta đột phá trong phát triển, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Thực tiễn đã cho thấy nhiều nước giàu tài nguyên, nhưng không thể tăng trưởng nhanh và bền vững, ngược lại có nước có rất ít tài nguyên nhưng vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế cao. Yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt đó chính là con người và công nghệ. Chỉ số ĐMST toàn cầu của Việt Nam những năm gần đây được cải thiện liên tục, tăng 10 bậc từ năm 2015, đứng thứ 42/131 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng đầu nhóm 29 quốc gia, nền kinh tế cùng mức thu nhập. Đây là nền tảng quan trong, là bệ phóng cho sắp tới.

Chuyên đề