Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp phải có trách nhiệm trước đất nước

(BĐT) - "Các đồng chí nói do mặt bằng, thủ tục, năng lực thi công, thể chế... nhưng cả nước có nhiều địa phương , nhiều ngành giải ngân rất tốt, 70 – 80%, thậm chí cao hơn nhiều. Những bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp phải có trách nhiệm trước đất nước, trước xã hội chứ không thể đổ hết cho khách quan".

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. Ảnh: Minh Thư
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. Ảnh: Minh Thư

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 diễn ra sáng nay (26/9). Hội nghị do Văn phòng Chính phủ và Bộ KH&ĐT phối hợp tổ chức.

Nút thắt cổ chai với nền kinh tế

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tại Hội nghị cho thấy sự quan tâm lớn đến công tác đầu tư xây dựng cơ bản nói chung, giải ngân vốn đầu tư công nói riêng, cũng như việc chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2020.

Thủ tướng nhận định đầu tư công thời gian quan đã đóng góp rất lớn vào kết quả phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt là các công trình hạ tầng quan trọng từ miền núi tới miền xuôi, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ tình trạng chậm giải ngân gần chục năm qua tạo ra nút thắt cổ chai với nền kinh tế, không phải chỉ xảy ra năm nay mà nhiều năm qua. Chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy, trong đó Thủ tướng chỉ ra 4 hậu quả lớn.

Đầu tiên ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, vì vốn là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP, còn một khối lượng lớn vốn ở các ngành các cấp các địa phương

Vốn đầu tư công là nguồn lực xây dựng các dự án hạ tầng quan trọng, chậm giải ngân sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội, uy tín quốc gia.

Chậm giải ngân cũng sẽ gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn; doanh nghiệp, xã hội cũng phải chịu thêm chi phí...

Chậm do vốn, thủ tục hay tinh thần, thái độ không tích cực

Thủ tướng đề nghị Hội nghị phải làm rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan của tình trạng giải ngân chậm vốn đầu tư công. Từ thực tế tỷ lệ giải ngân rất chênh lệch giữa nhiều bộ, ngành, địa phương, nơi giải ngân cao, nơi rất thấp, Thủ tướng nêu rõ các địa phương giải ngân thấp phải làm rõ tại sao địa phương khác làm tốt, mà địa phương mình chưa làm được. “Chậm do vốn, thủ tục hay tinh thần, thái độ không tích cực”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Quan trọng hơn, Thủ tướng nêu rõ Hội nghị cần đưa ra giải pháp thiết thực, cụ thể để giải ngân tốt hơn, rút kinh nghiệm năm nay để năm sau giải ngân kịp thời hơn. Những tháng còn lại cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Địa phương nào giải ngân chậm thì cắt vốn, điều chuyển sang cho địa phương ngành khác sử dụng hiệu quả hơn.

“Những kinh nghiệm, bài học tốt, chưa tốt rút ra không chỉ cho năm nay mà cả năm 2020. Một khối lượng vốn rất lớn đang chờ chỉ đạo quyết liệt để đưa vào cuộc sống”, Thủ tướng nói.  

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Chuyên đề