Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải xây dựng cơ chế chính sách khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước. Ảnh: Hiếu Nguyễn |
Những thông điệp, cách thức điều hành của Lãnh đạo Chính phủ tiếp tục củng cố niềm tin về một Chính phủ hành động, hiệu lực, hiệu quả, góp phần đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức, hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng phát triển.
Truyền cảm hứng xây dựng đất nước
Trong các cuộc làm việc với các bộ, ngành, Thủ tướng lưu ý, công tác tuyên truyền là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng, cần coi trọng và tập trung cho công tác truyền thông. Các bộ, ngành phải chủ động cung cấp thông tin cho các báo, đài phản ánh trung thực, khách quan các chính sách và hoạt động, tuyệt đối không để xảy ra khủng hoảng truyền thông; lắng nghe, phản hồi kịp thời, chính xác dư luận; định kỳ công bố thông tin chính thống. Chú trọng đẩy mạnh công tác phổ biến chính sách, pháp luật theo hướng truyền thông dẫn dắt, chủ động tuyên truyền về các chính sách, các văn bản pháp luật mới để người dân biết, đồng tình, tin tưởng, ủng hộ, thực hiện, kiểm tra và người dân được thụ hưởng kết quả.
Cơ quan quản lý nhà nước phải chú trọng truyền thông chính sách, và cơ quan truyền thông ngược lại cần phản ánh thực tiễn sinh động tới những nhà làm chính sách. Tại Chỉ thị số 12/CT-TTg, Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Phải truyền đi những thông điệp góp phần làm an lòng dân, ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc.
Tinh thần chỉ đạo chung là phải làm cho dân biết, dân hiểu, dân bàn, dân làm, dân cùng giám sát, kiểm tra và dân thụ hưởng thành quả; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, để truyền thông là nguồn cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp, xã hội cùng chung tay, góp sức cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Nguyên tắc “3 không” trong giải quyết, tháo gỡ khó khăn
Nhấn mạnh xây dựng một Chính phủ hành động, Thủ tướng nêu rõ với các bộ, ngành nguyên tắc 3 không trong giải quyết, tháo gỡ khó khăn: “Không nói không, không nói khó và không nói có mà không làm”. Quán triệt quan điểm "nói phải làm", suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.
Lựa chọn một số công việc, nhiệm vụ có tính chất ưu tiên, cấp bách, “đòn bẩy, điểm tựa”, có tác động lan tỏa nhanh, mạnh mẽ làm trước, làm dứt điểm một cách có hiệu quả. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chọn lọc kế thừa, nhưng phải đổi mới, sáng tạo để phát triển, không trông chờ, ỷ lại, phải chủ động tiến công, linh hoạt sáng tạo để biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.
Thủ tướng cũng yêu cầu phải chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Đồng thời, kịp thời động viên, khen thưởng những tấm gương tốt, những người làm việc hiệu quả, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám nói vì sự nghiệp chung, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Lấy thực tiễn làm thước đo cho tư duy và hành động
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khi xây dựng chính sách, quản lý nhà nước, cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, thực tiễn sinh động của cuộc sống để thể chế hóa kịp thời thành chính sách, pháp luật; chủ động rà soát, tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, pháp luật trong thực thi, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường sự tham gia tích cực, hiệu quả của người dân vào quá trình xây dựng pháp luật. Chú trọng tổng kết, sơ kết thực tiễn đi đôi với nghiên cứu khoa học, phát triển lý luận; đề xuất, tham mưu phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
“Việc tốt mà không biết truyền thông thì người ta không biết, sơ hở nhỏ nhưng để thành khủng hoảng thì gây hậu quả lớn. Phải tăng cường nhận thức, phải xây dựng cơ chế, thể chế chính sách phù hợp để truyền thông thực sự là một nguồn lực, là sức mạnh”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông tại cuộc làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, được đa số đồng thuận thì cần luật hóa; những vấn đề chưa có quy định pháp luật hoặc quy định đã vượt quá thực tiễn đòi hỏi thì mạnh dạn làm thí điểm, vừa làm vừa hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, trên cơ sở đó tổng kết, rút kinh nghiệm, tham mưu thể chế hóa. Trong xây dựng pháp luật phải có tinh thần cầu thị, lắng nghe, kể cả ý kiến phản biện, trái chiều, chú ý lấy và tiếp thu ý kiến xác đáng của các cơ quan, tổ chức có liên quan, ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động, tạo sự đồng thuận.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm nhất quán lấy người dân làm trung tâm để xây dựng và thực thi chính sách, đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết để có giải pháp phù hợp và xử lý công việc đạt hiệu quả cao nhất.
“Thu hút được 1 đồng vốn ngoài ngân sách cũng quý”
Chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Thủ tướng yêu cầu cần quán triệt tư tưởng lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, là chiến lược lâu dài, mang tính quyết định. Trong đó, cần đặc biệt tập trung phát huy giá trị con người Việt Nam, đưa truyền thống văn hóa, lịch sử, truyền thống đoàn kết thống nhất của dân tộc ta thành nguồn lực phát triển. Chú trọng hơn việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ thiên nhiên phục vụ cho phát triển đất nước. Về mối quan hệ giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, nội lực là cơ bản, chiến lược lâu dài, là quyết định; ngoại lực là quan trọng, cần thiết.
Quyết tâm cao để tạo chuyển biến tích cực trong đột phá chiến lược về hạ tầng, trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm phải đa dạng nguồn lực đầu tư, thu hút được 1%, 1 đồng vốn ngoài ngân sách nhà nước cũng quý. Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT nghiên cứu, tham mưu sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược trên tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân. Hay Bộ Giao thông vận tải phải xác định những nhiệm vụ, công việc trọng tâm, trọng điểm, phát huy tối đa các nguồn lực, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, ưu thế của từng vùng để tập trung nguồn lực... Ngân sách nhà nước chỉ đóng vai trò là vốn mồi, có tính chất hỗ trợ, vốn xã hội hóa là quyết định; đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là chính.
Các bộ, ngành phải xây dựng cơ chế chính sách khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cả nội lực và ngoại lực; thúc đẩy giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy hơn nữa những tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước cả trước mắt và lâu dài.
Vấn đề tầm nhìn dài hạn trong quy hoạch, đẩy mạnh phân cấp, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính phiền hà, cắt giảm dự án chưa thực sự cần thiết… cũng được Thủ tướng nhấn mạnh, với tinh thần chung là “vì dân, vì nước, cứ mạnh dạn mà làm”.