Thủ tướng Chính phủ: 5 mũi giáp công đưa nền kinh tế “bật dậy” sau đại dịch Covid-19

(BĐT) - Sáng nay (9/5), chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020 với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 5 mũi giáp công để đưa nền kinh tế “bật dậy” sau đại dịch Covid-19. 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020

Diễn ra trong “trạng thái bình thường mới”, Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu như năm 2020 có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước thì tháng 5 có thể xem là một trong những tháng đẹp nhất và có ý nghĩa quan trọng đối với dân tộc Việt Nam.

Chúng ta đang ở thời mang tính bước ngoặt mới của lịch sử không chỉ với Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới để bứt phá sau đại dịch Covid-19. Hiếm có một biến cố nào có tác động đến hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt xa tác động của đại dịch đậu mùa, cúm… Đại dịch Covid-19 không chỉ làm ảnh hưởng sức khỏe hay mạng sống của một nhóm người hay một cộng đồng mà ảnh hưởng tới hàng tỷ người trên hành tinh này.

Trên phương diện kinh tế, Thủ tướng cho hay, khủng hoảng y tế ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động kinh tế từ phía cung đến phía cầu, từ thị trường tài chính đến nền kinh tế thực, từ công nghiệp đến dịch vụ, từ hàng không tới du lịch… Tuy nhiên, như bao biến cố lớn của lịch sử, loài người sẽ chiến thắng cho dù có nhiều tổn thất, mất mát.

Mô hình chống dịch của Việt Nam được tổ chức quốc tế cao. “Đến nay, chúng ta đã có 23 ngày không có người nhiễm mới Covid-19… Chúng ta đã cơ bản đẩy lùi, kiểm soát tốt Covid-19 ở Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, kết quả đạt được là nhờ dân tộc ta có sẵn sức đề kháng của tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật và tuân thủ của người dân. Mặt khác, Đảng, Nhà nước đã có quyết sách đúng đắn, quyết liệt, kịp thời và đồng bộ. Chúng ta không chủ quan nhưng đừng lo lắng vì đã kiểm soát được dịch trong thời gian qua.

Theo đó, trong bối cảnh kinh tế nhiều nước trên thế giới đang có sự suy thoái, có thể còn kéo dài nhiều quý tiếp theo. Song trong quý I/2020, Việt Nam đạt tăng trưởng 3,82%, là mức tăng trưởng khá cao so với mức chung của thế giới. Theo đánh giá, đây là mức tăng trưởng cao nhất của các nước ASEAN trong quý I. 

Qua đại dịch, nền kinh tế như chiếc lò xo được nén lại, giờ là lúc sẵn sàng bung ra. Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ nêu 5 “mũi giáp công” sẽ tập trung thực hiện, gồm: thu hút đầu tư, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Theo Thủ tướng, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm nay tổ chức trong bối cảnh rất khác. Hội nghị phải thể hiện tinh thần yêu nước, phải hành động như lò xo bị nén lại cần bật lên phát triển. Việt Nam cần phát triển theo hình chữ V chứ không phải chữ U hay chữ W.

“Chúng ta thừa nhận rằng Việt Nam vẫn còn nhiều nút thắt. Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng luôn lo nghĩ đến điều này. Tuy nhiên, Hội nghị hôm nay là dịp không phải để bàn lùi, than nghèo kể khổ, than vãn khó khăn của doanh nghiệp mà phải nêu được trở ngại. Chính phủ sẽ tìm cách thức để thúc đẩy doanh nghiệp tăng năng suất, là nguồn gốc để phát triển bền vững”, Thủ tướng nhận xét.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Hội nghị bắt buộc, bằng mọi giá phải có kết quả cụ thể, “không nói suông, nói để đó”. Các bộ, ngành phải “xắn tay áo”, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp trên tinh thần cải cách đổi mới, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đặc biệt, cần lưu ý lúc này không có những việc “quyền anh, quyền tôi” mà vì đất nước, vì dân tộc, vì gần 100 triệu dân Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành phát biểu có chất lượng, trọng tâm nêu chính sách, giải pháp hỗ trợ mới cho doanh nghiệp thay vì những cái “đã biết rồi”, đặc biệt không để cán bộ công chức vô cảm, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

“Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc” và giờ tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần thúc đẩy. Chúng ta nhiều lần nêu virus trì trệ, nhưng đừng nhìn sang cơ quan, tổ chức, địa phương khác mà virus này nằm ngay trong bản thân, tổ chức, địa phương và ngay trong doanh nghiệp của chúng ta”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Với doanh nghiệp, Thủ tướng có 6 lời đề nghị: yêu Tổ quốc, làm gì mà không nghĩ đến Tổ quốc thì không thành doanh nghiệp lớn, yêu Tổ quốc tức phải thượng tôn pháp luật, có tinh thần chia sẻ; đoàn kết vì mất đoàn kết là tự làm yếu mình; không nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc; vì thụ động, lưỡng lự là tự mình đánh mất cơ hội; sáng tạo vì thiếu sáng tạo là tự mình tụt lại phía sau và cần có niềm tin vì không có niềm tin là tự chối bỏ mình.

Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp luôn dám nghĩ lớn, làm lớn, ước mơ và hành động để biến ước mơ thành hiện thực. Sau thời gian giãn cách xã hội, đây là cơ hội trăm năm cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, bởi nếu không biết tận dụng thì cơ hội này sẽ thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

“Những lúc khó khăn, gai góc nhất là dịp để thể hiện bản sắc dân tộc, đoàn kết, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Như ai đó đã nói, khó khăn không phải sinh ra để đánh bại chúng ta mà để chúng ta đánh bại nó”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Chuyên đề