Các loại nhiên liệu gây phát thải như xăng, dầu đang được tiêu thụ ở mức độ lớn và phải “cõng” rất nhiều loại thuế, phí. Ảnh: Thanh Hằng |
Hoài nghi về bản chất
Ngày 16/10/2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 10040/VPCP-KTTH thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Trong đó, có nội dung: Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND TP. Hà Nội, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Ngày 25/10/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Báo cáo số 340/BC-UBTVQH về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XIV. Tại Báo cáo nêu trên có nội dung kiến nghị: “Chính phủ xem xét ban hành Nghị định quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải” theo kiến nghị của cử tri Lào Cai.
Thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, căn cứ Luật Phí và lệ phí, Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị các bộ liên quan chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương đề xuất phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Bao gồm: đối tượng chịu phí; mức thu phí; cách thức thu phí; cơ chế thu, nộp phí; quản lý, sử dụng phí… Các nội dung này sẽ được Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền.
Trao đổi với Báo Đấu thầu về nội dung này, ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho rằng, tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam đã ở mức báo động và việc đưa ra các biện pháp hạn chế các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí là cần thiết. Tuy nhiên, việc đưa ra một loại phí mới cần xem xét cặn kẽ từ các quy định của pháp luật và điều kiện kinh tế - xã hội của từng nước.
Luật Phí và lệ phí năm 2015 nêu rõ: “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật này”.
Với định nghĩa này, theo ông Kiên, phí bảo vệ môi trường sẽ bị giới hạn trong các dịch vụ bảo vệ môi trường, như thu gom, xử lý rác, xử lý ô nhiễm. Trong khi đó, Nhà nước chưa thực sự có dịch vụ xử lý khí thải trên toàn quốc, do đó, chỉ nên giới hạn phí bảo vệ môi trường với các dịch vụ đang được thực hiện. “Hiện tại, đưa ra phí này sẽ chưa đúng về bản chất, có thể gây chồng chéo”, ông Kiên nhấn mạnh.
Chồng chéo và thêm gánh nặng
Về khái niệm khí thải, ông Vũ Trung Kiên cho rằng, nên có cách hiểu đồng nhất với thế giới để đưa ra chính sách phù hợp xu thế phát triển. Theo đó, ở Việt Nam chưa có dịch vụ của Nhà nước về xử lý khí thải nên cách đặt vấn đề của cơ quan xây dựng chính sách khá tương đồng với việc đưa ra một loại thuế ô nhiễm.
“Để đi cùng với xu hướng của thế giới, chúng ta cần có cách làm chuẩn về nội dung này. Mặt khác, từ năm 2020 trở đi, với việc thực hiện Thỏa thuận Paris, sớm muộn chúng ta cũng cần phải đưa ra thuế carbon để làm tiền đề tạo dựng thị trường carbon. Lúc đó, chúng ta cần có một sắc thuế thống nhất, không bị chồng chéo giữa thuế môi trường, thuế nhiên liệu, phí ô nhiễm và thuế carbon”, ông Kiên nói.
Xem xét từ góc độ gánh nặng thuế, phí cho người dân, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc Bộ Tài chính lấy ý kiến các cơ quan có liên quan về nội dung này là thực hiện theo trình tự quy định của pháp luật là không sai, tuy nhiên, đề xuất tăng thêm phí ở thời điểm này cần được cân nhắc rất cẩn thận.
Theo phân tích của ông Long, các loại nhiên liệu gây phát thải như xăng, dầu đang được tiêu thụ ở mức độ lớn và phải “cõng” rất nhiều loại thuế, phí. Trong đó, thuế bảo vệ môi trường được thu với mục đích là bảo vệ môi trường. Mục đích này khá tương đồng với việc thu phí bảo vệ môi trường từ khí phát thải.
Mặt khác, việc tính toán thu loại phí này sẽ khá phức tạp bởi cần phải phân loại các loại nhiên liệu theo mức độ phát thải và phân loại phương tiện giao thông theo mức độ gây phát thải. “Khi xăng dầu đã chịu gánh nặng thuế, phí khá lớn thì chưa nên nghĩ đến việc thêm loại thuế, phí mới”, ông Long nói.