Thu phí các dự án cao tốc do Nhà nước đầu tư: Cân nhắc phương án hài hòa lợi ích

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các cơ quan chức năng đang khẩn trương hoàn thành điều kiện cần và đủ để triển khai thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư kể từ ngày 1/10/2024 theo quy định của Luật Đường bộ 2024. Theo ý kiến của các chuyên gia và nhà đầu tư BOT giao thông, việc thu phí các dự án cao tốc do Nhà nước đầu tư phải bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, Nhà nước và nhà đầu tư BOT các tuyến đường hiện hữu.
Dự án Hà Nội - Thái Nguyên là cao tốc do Nhà nước đầu tư. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Dự án Hà Nội - Thái Nguyên là cao tốc do Nhà nước đầu tư. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về phí sử dụng đường bộ cao tốc. Đây là nghị định hướng dẫn Luật Đường bộ 2024 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, sở hữu, quản lý và khai thác thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT.

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện có 12 dự án/đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, đại diện chủ sở hữu, đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng có thể triển khai thu phí gồm: Lào Cai - Kim Thành, Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ. Trong số này có 8 dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vừa được đưa vào khai thác. Số lượng dự án cao tốc sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm 2025 nếu 12 dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành đúng kế hoạch.

Để xác định mức phí cho các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, Cục Đường bộ dựa trên 4 nguyên tắc, trong đó đáng lưu ý là mức thu đảm bảo hợp lý, hài hòa với mức thu dịch vụ sử dụng đường bộ và đường cao tốc đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Bên cạnh đó, mức thu cho phép người sử dụng đường cao tốc chia sẻ lợi ích với Nhà nước, mức thu phí phải thấp hơn lợi ích người sử dụng đường cao tốc thu được. Theo đó, mức thu phí đề xuất đối với xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn, xe buýt công cộng (xe cơ bản) là 1.100 - 1.500 đồng/km đối với cao tốc 4 làn xe.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng đưa ra 2 phương án quản lý, khai thác và thu phí. Thứ nhất là cơ quan quản lý tài sản đường cao tốc là Cục Đường bộ Việt Nam tự tổ chức thu. Qua đấu thầu, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng. Thứ hai là đấu thầu quản lý đường cao tốc theo hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M). Nhà đầu tư sẽ đứng ra thu phí và quản lý, bảo trì tuyến đường. Nhà nước bán quyền thu phí tuyến cao tốc trong thời gian nhất định và thu ngay được một khoản tiền.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Đức Thọ - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco4 cho biết, thời gian qua, nhiều tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn toàn bằng vốn ngân sách chưa thực hiện thu phí nên phương án tài chính của các dự án BOT giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng (các phương tiện giao thông lựa chọn đi các tuyến cao tốc miễn phí của Nhà nước nên doanh thu của các trạm thu phí BOT sụt giảm, như trạm thu phí Nghi Sơn - Cầu Giát giảm hơn 50% so với phương án tài chính). Nhà đầu tư mong muốn các cơ quan chức năng sớm có cơ chế chia sẻ rủi ro này trong phương án tài chính hoàn vốn dự án BOT để giảm khó khăn cho nhà đầu tư. Việc tiến hành thu phí trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ bảo đảm tính đồng bộ thu phí trên hệ thống đường cao tốc và bảo đảm hài hòa hơn về lợi ích đối với nhà đầu tư BOT các tuyến đường hiện hữu.

Ông Phạm Văn Khôi - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho biết, mức giá thu phí qua trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đối với loại xe cơ bản (xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có trọng tải dưới 2 tấn) là 1.500 đồng/km. Mức thu phí ở các dự án cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn toàn nên thấp hơn mức này để đảm bảo chi phí logistics không tăng cao.

Về phương án quản lý thu phí, theo ông Khôi, trong giai đoạn đầu, khi chưa xác định được lưu lượng xe ổn định thì nên lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng. Đến giai đoạn ổn định khoảng 2 - 3 năm thì Nhà nước tổ chức đấu thầu để bán quyền thu phí tuyến cao tốc trong thời gian nhất định. Điều này sẽ giảm thiểu rủi ro cho Nhà nước và nhà đầu tư trong việc bán quyền thu phí cao tốc mà lưu lượng xe chưa được tính toán kỹ lưỡng.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn eo hẹp, các chủ phương tiện nên chia sẻ gánh nặng và ủng hộ việc thu phí tại các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư. Tuy nhiên, do các tuyến đường này được đầu tư từ thuế của người dân nên mức thu phí cần giảm tối thiểu 30% so với mức thu phí tại các trạm BOT hiện hữu, một phần nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho các chủ phương tiện, mặt khác góp phần ổn định chi phí logistics. Việc lựa chọn áp dụng phương án quản lý, khai thác và thu phí cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và linh hoạt đối với từng đoạn tuyến cao tốc. Những đoạn tuyến có lưu lượng xe lớn thì tổ chức bán quyền thu phí để thu về một khoản tiền lớn cho tái đầu tư. Việc bán quyền thu phí phải đấu thầu công khai, minh bạch để tránh tiêu cực. Đối với những đoạn tuyến cao tốc có lưu lượng xe thấp thì nên lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí trên nền tảng hệ thống thu phí tự động không dừng. Việc thu phí tại các dự án cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn toàn phải bảo đảm hài hòa lợi ích của nhiều chủ thể, từ người tiêu dùng (chủ phương tiện), nhà đầu tư BOT giao thông hiện hữu và Nhà nước.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư