Thu nhập đáng mơ ước của nhân sự VSD

(BĐT) - Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa công bố thông tin về báo cáo tài chính năm 2016 đã kiểm toán, báo cáo lương năm 2016. Những con số ấn tượng về doanh thu, lợi nhuận, và thu nhập của người lao động tại doanh nghiệp (DN) này khiến nhiều người làm việc trong lĩnh vực tài chính phải mơ ước.
Năm 2016, doanh thu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2015. Ảnh: Tường Lâm
Năm 2016, doanh thu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2015. Ảnh: Tường Lâm

Hưởng lợi nhờ độc quyền

VSD là Công ty TNHH MTV thuộc sở hữu nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính theo Quyết định số 171/2008/QĐ-TTg. Tổng số vốn điều lệ của Công ty là 1.000 tỷ đồng. Là đơn vị duy nhất thực hiện chức năng lưu ký chứng khoán, việc thu phí từ các thành viên lưu ký (công ty đại chúng, công ty chứng khoán…) giúp DN này bảo đảm nguồn thu ổn định và hầu như không có rủi ro.

Theo báo cáo tài chính vừa được công bố, năm 2016, doanh thu của VSD đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế tăng lần lượt từ 235 tỷ đồng lên 271 tỷ đồng (tăng 15%) và từ 183 tỷ đồng lên gần 216 tỷ đồng (tăng 18%). Nguồn thu chủ yếu của VSD là từ phí lưu ký chứng khoán. Năm 2016, khoản thu này tăng từ 175 tỷ đồng lên 213 tỷ đồng (tăng 21%). Ngoài ra VSD còn có khoản thu nhập tài chính “khủng” lên đến 50 tỷ đồng chủ yếu từ tiền gửi ngân hàng. Chi phí hoạt động nghiệp vụ là 73 tỷ đồng, tăng mạnh (55%) so với năm 2015. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng thêm 10 tỷ đồng, lên mức 94 tỷ đồng.

Đáng chú ý là tỷ suất lợi nhuận khủng của VSD mà bất cứ DN nào cũng phải ghen tị. Cụ thể, cuối năm 2016, tỷ suất lợi nhuận trước thuế và sau thuế trên doanh thu thuần (ROS) bao gồm doanh thu thuần hoạt động nghiệp vụ và doanh thu hoạt động tài chính lần lượt là 61,28% và 48,79%. Như vậy, cứ 10 đồng doanh thu thì Công ty thu về tới 6 đồng lợi nhuận trước thuế và gần 5 đồng lợi nhuận sau thuế.

Các chỉ tiêu đánh giá khả năng sinh lời khác của VSD cũng đều ghi nhận mức tăng nhẹ như tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản là 13,72%, tăng 1,63%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản là gần 11%, tăng gần 4% và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu gần 22%, tăng 20% so với năm 2015.

Không chỉ có hệ số ROS “khủng”, VSD còn nắm giữ hơn 401 tỷ đồng (bao gồm hơn 1 tỷ tiền mặt và gần 400 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng) tại thời điểm cuối năm 2016. Trong đó, tiền của VSD là 127 tỷ đồng, tiền gửi thuộc quỹ hỗ trợ thanh toán hơn 10 tỷ đồng, tiền gửi thanh toán hộ cổ tức, gốc và lãi trái phiếu 204 tỷ đồng. Đây là số tiền các tổ chức phát hành đã chuyển tiền về tài khoản của Trung tâm để thực hiện việc trả cổ tức, thanh toán lãi và gốc trái phiếu cho các thành viên thay cho tổ chức phát hành, nhưng đến ngày 31/12/2016 thì vẫn chưa phải thời hạn thanh toán. Còn lại là 59,5 tỷ đồng tiền gửi đăng ký mua chứng khoán.

Ngoài ra, VSD còn có khoản đầu tư tài chính ngắn hạn lên đến 1.175 tỷ đồng, bao gồm 585 tỷ đồng thuộc nguồn của Trung tâm và 590 tỷ đồng thuộc nguồn của quỹ hỗ trợ thanh toán. 

Thu nhập ấn tượng

Năm 2016, VSD không hoàn thành kế hoạch lương, thưởng cho người quản lý nhưng lại vượt kế hoạch đối với người lao động. Cụ thể, thu nhập bình quân của người lao động, và người quản lý lần lượt là 24,595 triệu đồng/người/tháng (vượt kế hoạch 23%) và 53,226 triệu đồng/người/tháng (mới chỉ đạt 96% kế hoạch).

Trong năm 2017, VSD chỉ đặt mục tiêu thu nhập bình quân cho người lao động là 20,48 triệu đồng/người/tháng, giảm 16% so với thực hiện năm 2016. Còn đối với người quản lý, thu nhập sẽ là 55,429 triệu/tháng/người, tăng 4% so với thực hiện năm 2016.

Về số lượng nhân sự, năm 2017, VSD sẽ tiếp tục duy trì 7 nhân sự quản lý chuyên trách và sẽ tăng số lượng lao động từ 148 người lên 155 người.

Hoạt động kinh doanh của VSD dự kiến tăng trưởng mạnh khi làn sóng lên sàn của các DN sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

Chuyên đề