Thu hút đầu tư nước ngoài tiếp đà tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nối tiếp xu hướng cuối năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tháng 1 năm 2024 tiếp tục tăng mạnh, trong đó điểm nhấn là đầu tư mới tăng cả về số dự án và tổng vốn đăng ký. Bước khởi đầu tích cực cùng những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Chính phủ củng cố niềm tin về một năm tăng tốc thu hút vốn ĐTNN mạnh mẽ hơn nữa, tiếp tục là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Từ đầu năm đến 20/1/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Tiên
Từ đầu năm đến 20/1/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Vốn đăng ký mới vẫn tăng mạnh

Theo Cục ĐTNN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến 20/1/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 8,1 điểm phần trăm so với thời điểm cuối năm 2023. Ngoài vốn đầu tư điều chỉnh và GVMCP giảm thì vốn đầu tư đăng ký mới vẫn tăng mạnh. Với mức tăng 24,2% về số dự án và một số dự án có quy mô vốn đầu tư hàng trăm triệu USD được đăng ký mới, tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong tháng 1 đã tăng 66,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng với đó, vốn thực hiện của dự án ĐTNN ước đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Kết quả này phù hợp với nhiều dự báo từ cuối năm 2023, khi sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế đến Việt Nam rất lớn trong năm qua. Nhiều tổ chức quốc tế và chuyên gia cho rằng, thu hút ĐTNN năm 2024 của Việt Nam sẽ tiếp đà tăng của năm 2023.

Trong Sách trắng 2024 vừa công bố ngày 16/1/2024, EuroCham nhận định, nhìn về phía trước, các dự báo về Việt Nam vẫn rất hứa hẹn. Với khả năng ứng phó khéo léo với các thách thức từ bên ngoài và tăng trưởng kinh tế bền vững nhờ chính sách quản trị hợp lý và cơ cấu dân số thuận lợi, Việt Nam ngày càng được công nhận trên trường quốc tế. Việt Nam ngày càng ưu tiên phát triển bền vững, các chiến lược đầu tư xanh đang nổi lên trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, hạ tầng thân thiện với môi trường và nông nghiệp bền vững, phù hợp với động lực phát triển bền vững toàn cầu và mang lại triển vọng đặc biệt cho các nhà đầu tư đang đóng góp vào và khai thác các sáng kiến xanh.

Tạo động lực mới thu hút vốn

Dù xu hướng tích cực, nhưng phản ứng chính sách kịp thời của Việt Nam sẽ rất quan trọng để biến cơ hội, sự quan tâm thành hiện thực. Tại Dự thảo Báo cáo rà soát đánh giá tổng thể về chính sách khuyến khích đầu tư tại Việt Nam hiện nay và một số kiến nghị, Bộ KH&ĐT nhận định, các quốc gia trên thế giới đang chạy đua quyết liệt và có các chính sách riêng để theo kịp các xu thế đầu tư mới. Trung Quốc nâng cấp chính sách cho ngành bán dẫn, mở rộng các biện pháp ưu đãi về thuế, tài chính và chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghệ mạch tích hợp (IC) của họ. Ấn Độ thông qua thỏa thuận chi tiêu 30 tỷ USD với tham vọng trở thành trung tâm toàn cầu về sản xuất điện tử với bán dẫn là nền tảng cơ bản. Thái Lan có Đạo luật Tăng cường cạnh tranh quốc gia, trong đó có quy định Quỹ tăng cường cạnh tranh quốc gia cho các lĩnh vực ưu tiên. Chính phủ Thái Lan cũng đã tuyên bố vào ngày 7/3/2023 về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đồng thời sẽ phân bổ 50 - 70% thuế thu được từ Trụ cột 2 vào Quỹ Tăng cường cạnh tranh quốc gia cho các lĩnh vực ưu tiên... Nhiều nước phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc ban hành nhiều chính sách ưu đãi, trợ cấp về đất đai, điện nước, vốn đầu tư và thuế… nhằm đưa dòng vốn FDI quay trở về nước.

Tổng vốn đầu tư đăng ký mới của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 1 tăng 66,9% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Tuấn Anh

Tổng vốn đầu tư đăng ký mới của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 1 tăng 66,9% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Tuấn Anh

Theo EuroCham, Chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu kỹ ảnh hưởng của thuế suất tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của các nhà đầu tư hiện tại và tương lai, đồng thời xem xét những giải pháp thiết thực và hiệu quả để bảo đảm khuyến khích đầu tư vào đúng những dự án trọng điểm và cần khuyến khích, để việc áp dụng Trụ cột 2 không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh và vẫn bảo đảm đáp ứng quy định và cam kết của Việt Nam trong Trụ cột 2. EuroCham ví dụ, nếu áp dụng các biện pháp khuyến khích dựa trên chi tiêu thay vì dựa trên thu nhập thì doanh nghiệp sẽ ít chịu ảnh hưởng từ Trụ cột 2 hơn. Qua đó có thể khuyến khích ĐTNN vào những lĩnh vực và địa bàn trọng điểm mà vẫn tuân thủ cam kết. Hay về ưu đãi dựa trên chi tiêu có thể theo thông lệ quốc tế bao gồm: khấu hao nhanh máy móc, thiết bị của dự án đầu tư và khấu trừ gấp đôi chi phí nhân công hoặc chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) đối với dự án được khuyến khích đầu tư. Những ưu đãi dựa trên chi tiêu như vậy có thể làm tăng khả năng tạo ra đầu tư bổ sung vì chúng nhắm trực tiếp vào chi phí đầu tư.

Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam cải cách ưu đãi đầu tư theo hướng đưa ra các chính sách ưu đãi đầu tư đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, mang tính sàng lọc để lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược, các dự án đầu tư có chất lượng cao. Nghiên cứu để đa dạng hóa chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng không phụ thuộc vào ưu đãi thuế theo thu nhập (miễn, giảm thuế như trước), mà cần kết hợp song song, vận dụng hợp lý cả ưu đãi theo thu nhập và ưu đãi theo chi phí như kinh nghiệm quốc tế để thu hút được những nhà đầu tư thế hệ mới, đi vào thực chất đầu tư làm gia tăng giá trị; đồng thời, xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia với hệ thống ưu đãi đầu tư có chiều sâu, hấp dẫn, không tụt hậu với quốc tế…

Theo Bộ KH&ĐT, các quốc gia đang có những toan tính và dự định riêng trong việc ban hành các chính sách để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu, qua đó, tạo nên một cuộc đua mới về các chính sách ưu đãi “hậu thuế tối thiểu toàn cầu”. Đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam cân nhắc cải cách hệ thống ưu đãi đầu tư, đưa ra các chính sách ưu đãi đa dạng, linh hoạt, bắt kịp với thông lệ quốc tế nhằm đạt được các mục tiêu tại Nghị quyết 50-NQ/TW; đồng thời, giữ chân các nhà đầu tư chiến lược và thu hút các doanh nghiệp vệ tinh.

Bộ KH&ĐT cho biết, vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 110/2023/QH15, đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Nghị định dự kiến ban hành vào giữa năm 2024.

Theo Dự thảo Nghị định, dự kiến Quỹ sẽ hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội; chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; chi phí R&D… Các tiêu chí đưa ra hướng đến bảo đảm có chọn lọc để các đối tượng được hưởng ưu đãi đều là doanh nghiệp lớn, công nghệ cao, uy tín, hạn chế tối đa việc hỗ trợ sai đối tượng.

Chuyên đề