Củng cố lợi thế trong cuộc đua thu hút FDI toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng là thông tin tích cực trong bối cảnh sắp đến thời điểm các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu được áp dụng từ năm 2024. Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm và có nhiều điều chỉnh, cuộc đua thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng gay gắt, đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng củng cố hơn nữa lợi thế cạnh tranh.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chuỗi cung ứng trong nước là một trong những giải pháp quan trọng để duy trì lợi thế trong cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: Tuấn Anh
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chuỗi cung ứng trong nước là một trong những giải pháp quan trọng để duy trì lợi thế trong cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: Tuấn Anh

Cạnh tranh gay gắt

Thực hiện Biên bản ghi nhớ (MOU) với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Tony Blair vì sự phát triển toàn cầu (TBI) đang xây dựng Báo cáo đánh giá về thu hút và xúc tiến FDI vào Việt Nam - Ưu tiên, rào cản và cơ hội chính sách. Tại Dự thảo Báo cáo được chia sẻ lấy ý kiến ngày 7/11/2023, các chuyên gia của TBI đã cho thấy nhiều chính sách đang được các đối thủ cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam áp dụng.

Theo TBI, Indonesia có Ban Điều phối đầu tư Indonesia (BKPM) sử dụng hệ thống nộp hồ sơ một cửa, đơn giản hóa quy trình cấp phép và giấy phép; hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô nhằm đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị hạ nguồn; khắc phục tình trạng thiếu lao động bằng cách khuyến khích khu vực tư nhân xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo và nâng cao kỹ năng trong các ngành chiến lược…

Thái Lan cung cấp các ưu đãi đặc biệt cho những nhà sản xuất ô tô điện sử dụng linh kiện nội địa; thành lập một ủy ban đặc biệt dưới sự giám sát của Phó Thủ tướng/Bộ trưởng Bộ Năng lượng để hỗ trợ tăng cường đầu tư xanh…

Đài Loan có Quỹ Phát triển Đài Loan và các ngân hàng đã phối hợp cung cấp khoản bảo lãnh tài chính trị giá 3,4 tỷ USD để thúc đẩy các dự án hạ tầng và năng lượng xanh…

Tại Ấn Độ, Chính phủ phân loại các nhà cung cấp trong nước đủ điều kiện được hưởng ưu đãi. Sự phát triển tổng thể của FDI tại Ấn Độ dựa vào nhiều yếu tố, đặc biệt là mức độ chuyên môn cao trong lĩnh vực dịch vụ, với lực lượng lao động có tay nghề cao, biết nói tiếng Anh và có chi phí thấp…

Một thông tin đáng lưu ý, theo nghiên cứu của TBI, các nhà đầu tư Trung Đông đang tăng cường đầu tư vào châu Á với tổng vốn đầu tư đạt 30,4 tỷ USD trong giai đoạn 2018 đến tháng 8/2023. Tuy vậy, Việt Nam chỉ tiếp nhận 1% lượng vốn này. Trong khi đó, Trung Đông là thị trường rất tiềm năng với những quỹ đầu tư lớn mà Việt Nam rất muốn thu hút.

Trong bối cảnh sắp triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Bộ Tài chính cũng cho biết, các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài về cơ bản sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có các nước có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Các nước nhận vốn đầu tư nước ngoài, tương tự như Việt Nam, đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu, đồng thời cũng nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Các nước nhận vốn đầu tư nước ngoài như Việt Nam cần có chính sách ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu và những giải pháp hỗ trợ để giữ chân doanh nghiệp FDI. Ảnh: Tiên Giang

Các nước nhận vốn đầu tư nước ngoài như Việt Nam cần có chính sách ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu và những giải pháp hỗ trợ để giữ chân doanh nghiệp FDI. Ảnh: Tiên Giang

Củng cố lợi thế

Ông Rich D.McClellan, Giám đốc Quốc gia Viện TBI tại Việt Nam cho biết, trong những năm qua, Việt Nam tăng trưởng đều đặn về chất lượng đầu tư, nhưng với tình trạng xung đột và đứt gãy chuỗi cung ứng hiện nay, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, cần cải tiến để giữ được động lực, lợi thế.

Qua khảo sát, TBI cho biết, nhiều nhà đầu tư chia sẻ khó khăn trong việc tìm nguồn cung ứng đầu vào và dịch vụ chất lượng cao trong nước. Nhà đầu tư nhấn mạnh việc họ phải cần đến những công ty từ các quốc gia lân cận để hỗ trợ hoạt động vận hành; vấn đề nguồn cung năng lượng không ổn định và yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư đối với năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện; kết cấu hạ tầng giao thông và truyền thông còn thua kém nhiều nước trong khu vực; ưu đãi thuế không đủ cho lĩnh vực ưu tiên; thiếu động lực để khuyến khích chuyển giao công nghệ và kỹ năng thông qua các sáng kiến FDI từ doanh nghiệp nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước; không có đủ nhân lực cần thiết trong nước cho việc hỗ trợ và phát triển các ngành chiến lược có giá trị gia tăng cao…

Chuyên gia của TBI cho rằng, từ năm 2024, khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, các lợi thế thay thế càng trở nên quan trọng. Dẫn chứng Intel lựa chọn Ba Lan, LG lựa chọn Indonesia để đặt những nhà máy tỷ USD không phải vì ưu đãi thuế hay ưu đãi tiền mặt mà Chính phủ cung cấp, mà do mức độ dễ dàng trong lựa chọn lao động kỹ năng, chuỗi cung ứng bền vững, có khả năng chống chịu trong nước, chuyên gia của Viện TBI nhấn mạnh, thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ là 1 công cụ mà chính phủ có, khi 2 quốc gia có hệ sinh thái ngành giống nhau, nhà đầu tư quan tâm đến những yếu tố thực sự giúp họ phát triển thuận lợi, nhất là lao động và chuỗi cung ứng trong nước.

Trong một số phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh sắp triển khai thuế tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, một số đại biểu cho rằng, với tốc độ phát triển, công nghiệp hóa nhanh chóng của các nước, khi chọn lựa đầu tư vào các ngành công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, chuỗi giá trị cao như chip bán dẫn, AI, linh kiện máy bay…, các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc lựa chọn nước ta hay các quốc gia khác trong khu vực hoặc ở châu lục khác.

Một trong những vấn đề lớn các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đó là giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn - được xác định là lĩnh vực có nhiều tiềm năng thu hút FDI trong thời gian tới, khi trong báo cáo của Chính phủ có đề cập là trong thời gian tới ngành công nghiệp bán dẫn được dự báo sẽ cần nguồn nhân lực rất lớn, có thể cần đến 50.000 - 100.000 lao động từ nay đến năm 2030.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, những kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại vừa qua đã mở ra cho chúng ta những cơ hội để có thể trở thành một trung tâm, một nơi đối thoại của các đối thoại hòa bình và là điểm đến của các dòng dịch chuyển về thương mại, đầu tư với chất lượng cao trên thế giới. Chúng ta có thể tận dụng tốt cơ hội này hay không còn tùy thuộc vào sự chuẩn bị về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Theo ông Lộc, về thể chế, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần có các chiến lược, chính sách đột phá để phát triển các ngành kinh tế trong bối cảnh mới. Nếu tham gia vào các chuỗi giá trị thế giới, ngay cả trong những ngành công nghiệp đỉnh cao và tiềm năng như chip bán dẫn mà trong thời gian 10 - 15 năm tới Việt Nam vẫn chỉ đảm nhận khâu gia công, đóng gói thì đất nước không thể vượt bẫy thu nhập trung bình, không thể trở thành các quốc gia phát triển. Phải vươn lên các phân khúc cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thậm chí phải đóng vai trò dẫn dắt, làm chủ một số chuỗi cung ứng, và điều này rất cần có những quyết sách chiến lược từ Quốc hội và Chính phủ.

Chuyên đề