Thu hút đầu tư nước ngoài bứt phá mạnh mẽ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hai tháng đầu năm 2024, đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tăng mạnh cả về số dự án lẫn tổng vốn đăng ký. Theo nhiều chuyên gia, kết quả này nối tiếp xu hướng tích cực từ cuối năm 2023 và triển vọng thu hút ĐTNN năm 2024 là rất lạc quan.
Từ đầu năm đến ngày 20/2/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Tiên
Từ đầu năm đến ngày 20/2/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: Lê Tiên

Theo số liệu của Cục ĐTNN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/2/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, với mức tăng 55,2% về số dự án và một số dự án lớn có quy mô vốn đầu tư hàng trăm triệu USD được đăng ký mới, tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong 2 tháng đầu năm gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ 2023 và tăng 36,9 điểm phần trăm so với tháng 1/2024. Vốn đầu tư điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước, song mức độ giảm được cải thiện so với tháng 1/2024. Số lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 19,5% so với cùng kỳ 2023, thay vì giảm 15,7% so cùng kỳ trong tháng 1/2024. Những số liệu này cho thấy, các nhà ĐTNN tiếp tục tin tưởng và mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Bình luận về kết quả trên, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, 2 tháng đầu năm tiếp nối xu thế thu hút ĐTNN rất tích cực từ cuối năm 2023. Xu thế này được củng cố vững chắc do nhiều lợi thế của Việt Nam trong thu hút ĐTNN. Mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn sau Covid-19 và chịu tác động bởi những cơn gió ngược toàn cầu, Việt Nam vẫn là điểm đến tin cậy trong thu hút đầu tư quốc tế nhờ chính trị, nền tảng vĩ mô ổn định. Việt Nam rất thành công trong việc mở rộng hợp tác với nhiều nước, bên cạnh hợp tác đối ngoại, Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực nhất trong khu vực thực hiện các cam kết song phương và đa phương về thương mại và đầu tư, đặc biệt là cam kết về thương mại đầu tư thế hệ mới. Điều đó thể hiện độ tin cậy của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế.

Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, từ thế mạnh về địa chính trị, năng lực cạnh tranh, nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động trẻ, khả năng kết nối với thị trường thế giới, đặc biệt là lợi thế ngay sát Trung Quốc. Khi dịch chuyển đầu tư, nhà đầu tư có thể kế thừa chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng từ thị trường nội địa của Trung Quốc. Trong nước, Việt Nam đang rất quyết liệt cải cách môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thân thiện, minh bạch, công khai, chống tham nhũng, tăng tính tin cậy đối với nhà ĐTNN về môi trường thông thoáng, thuận lợi, bảo đảm thông lệ quốc tế.

“Tôi đánh giá kết quả thu hút ĐTNN năm nay sẽ khả quan, đóng góp cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh những cơ hội, lợi thế nêu trên, trong năm 2024 đầu tư công nói chung, kết cấu hạ tầng nói riêng sẽ có tác động lan tỏa, kết nối hạ tầng đường bộ, hàng không, là cú hích, động lực rất lớn cho thu hút đầu tư, cả tư nhân trong nước và nước ngoài”, ông Nguyễn Quốc Việt nhận định.

Chính phủ đã rất tích cực chuẩn bị để đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài mới trong lĩnh vực bán dẫn. Ảnh: Lê Tiên

Chính phủ đã rất tích cực chuẩn bị để đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài mới trong lĩnh vực bán dẫn. Ảnh: Lê Tiên

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN, cũng đánh giá kết quả thu hút ĐTNN 2 tháng là rất tốt. Ông Toàn dự báo thu hút ĐTNN cả năm 2024 sẽ vượt trội so với năm 2023 khi tận dụng tốt cơ hội và tình hình thế giới không diễn biến quá phức tạp.

Theo ông Toàn, 2 tháng đầu năm, các nhà đầu tư truyền thống chiếm tỷ trọng đầu tư lớn, nhà đầu tư từ Mỹ, Đức và một số nước châu Âu khác vẫn chưa vào nhiều. Khi có thêm dòng vốn từ Mỹ, Châu Âu, sẽ còn có những đột phá mạnh mẽ. Sự quan tâm của nhà đầu tư Mỹ, châu Âu tới Việt Nam rất lớn. Cuối năm 2023, nhiều đoàn doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu, gặp gỡ các cơ quan chức năng, để trao đổi cơ hội hợp tác, nhất là trong lĩnh vực bán dẫn. Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã rất tích cực chuẩn bị để đón nhận dòng vốn mới, đáp ứng yêu cầu đặt ra để thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực này, đặc biệt là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Toàn đặc biệt nhấn mạnh cơ hội từ việc Việt Nam thu hút thành công nhà đầu tư Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn. Theo giới quan sát, Mỹ đang mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng chip, trong bối cảnh lo ngại về căng thẳng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là khi phần lớn năng lực sản xuất chip của thế giới tập trung vào Đài Loan. Việt Nam có nhiều lợi thế trong chiến lược “Đài Loan +1”.

Về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhiều chuyên gia nhận định, đây không phải yếu tố quyết định tác động đến dòng chảy vốn ĐTNN vào Việt Nam trong năm nay. Ông Nguyễn Quốc Việt chỉ ra, dòng chảy đầu tư từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024 vào Việt Nam không thay đổi khi Việt Nam đã ban hành kịp thời các chính sách để ứng phó, an tâm nhà đầu tư. Thực tế, các doanh nghiệp lớn đã có sự chuẩn bị chiến lược, điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh trước tác động của thuế tối thiểu toàn cầu.

Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN nhận định, thuế tối thiểu toàn cầu cho đến thời điểm này chưa có tác động tiêu cực lớn. Động thái của Quốc hội, Chính phủ khẩn trương, ban hành nghị quyết của Quốc hội về thuế tối thiểu toàn cầu là giải pháp kỹ thuật rất tốt. Thực tế dòng vốn mới tăng mạnh, khi đưa lên bàn cân, khi thuế như nhau, nhà đầu tư truyền thống vẫn cảm nhận nhiều cơ hội từ môi trường đầu tư của Việt Nam. Những giải pháp chính sách của Chính phủ đã và sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm tăng đầu tư mới và cũng chưa có công ty nào rời khỏi Việt Nam do áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Tuy nhiên, để bù đắp cho những lợi thế so sánh có thể mất đi, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên quan tâm đến việc tạo thêm thuận lợi cho nhà ĐTNN, đặc biệt là giảm chi phí liên quan đến hạ tầng, ưu đãi hơn trong đầu tư, tiếp nhận công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực phù hợp định hướng kinh doanh của nhà ĐTNN. Để thực hiện việc này, không phải chỉ dùng chính sách ưu đãi riêng lẻ mà cần chương trình tổng thể để thúc đẩy, củng cố năng lực cạnh tranh của Việt Nam so với một số đối thủ trong khu vực về cơ sở hạ tầng cả cứng và mềm, đổi mới sáng tạo, chất lượng nguồn nhân lực. Việc thu thêm thuế dựa trên điều chỉnh thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo nguồn lực để bổ sung, hỗ trợ thu hút ĐTNN bên cạnh nguồn ngân sách hiện có thực hiện các nhiệm vụ này.

Chuyên đề