Những ngày qua, thị trường bất động sản đang nóng với việc sửa đổi thông tư 36. Cụ thể, sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo sửa đổi thông tư 36/2014/TT-NHNN trong đó dự kiến giảm mạnh trần sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn từ 60% hiện nay xuống còn 40% và nâng cao hệ số rủi ro của các khoản phải đòi về bất động sản từ 150% lên 250% đã có nhiều quan điểm, ý kiến xung quanh vấn đề này.
Để hiểu rõ về tác động của dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đến thị trường BĐS, nhiều chuyên gia đã có những đánh giá hết sức cụ thể trong buổi giao lưu trực tuyến "Siết tín dụng vào bất động sản - nhà đất tăng hay giảm" được báo Tuổi trẻ tổ chức sáng 3/3.
1. Nguyên nhân nào dẫn đến việc NHNN đánh giá là thị trường bất động sản có dấu hiệu bong bóng và buộc phải siết lại không bao lâu sau khi mở van?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Trọng Du - phó vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Na khẳng định: "Trước hết cần khẳng định việc sửa đổi bổ sung Thông tư 36 không phải siết van tín dụng bất động sản".
Ông Du cho biết, việc sửa đổi, bổ sung thông tư 36 nhằm tăng khả năng thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) và điều chỉnh dòng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh được ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Việc điều chỉnh này không mang ý nghĩa về động thái siết chặt hay nới lỏng vốn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản. Đây chỉ là thông điệp của NHNN nhằm tăng cường kiểm soát khả năng thanh khoản và rủi ro trong hoạt động cho vay .
Cũng theo ông Du, hiện nay nguồn vốn của TCTD chủ yếu là vốn ngắn hạn (khoảng 70%), việc sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tiềm ẩn nhiều rủi ro về thanh khoản.
Một lần nữa, ông Du khẳng định: "Quy định này chỉ áp dụng đối với các khoản phải đòi đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản để sinh lời, không áp dụng đối với hoạt động cấp tín dụng cho mục đích tiêu dùng, sửa chữa, cải tạo BĐS".
2. Việc sửa đổi thông tư 36 lúc này có phù hợp với thị trường BĐS lúc này không?
Ông Phạm Quốc Thanh - phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP HDBank trả lời: "Theo số liệu thống kê cập nhật tới cuối năm 2015 mà chúng tôi có, thì dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản ... đã tăng trưởng khá nhanh so với 2-3 năm trước và tỷ lệ cho vay đã xấp sỉ 10% trong tổng dư nợ. Do vậy, động thái của ngân hàng nhà nước trong việc chỉnh sửa thông tư 36 là phù hợp để tránh dư nợ trong lĩnh vực bất động sản tăng trưởng quá nhanh, thị trường bị bong bóng đầu cơ sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro".
Tuy nhiên, ông Thanh lưu ý vấn đề là mức độ điều chỉnh các tỷ lệ như trong dự thảo sửa đổi nên ở mức phù hợp để tránh hiện tượng "phanh" gấp, giảm mạnh nguồn vốn đang tài trợ chính cho lĩnh vực này và có thể ảnh hưởng tiêu cực cho thị trường.
3. Quy định trong dự thảo lần này nếu được thông qua sẽ ảnh hưởng gì tới thị trường bất động sản sắp tới?
Về phía ảnh hưởng tới thị trường BĐS, đứng ở góc nhìn của Ngân hàngông Thanh đánh giá, nếu dự thảo này được ban hành, tốc độ phát triển của thị trường bất động sản có thể chậm lại so với giai đoạn trước đó do nguồn vốn tài trợ từ trực tiếp ngân hàng vào các dự án sẽ bị hạn chế. Kể cả nguồn vốn huy động từ người mua nhà mà phần lớn cũng xuất phát từ tín dụng của ngân hàng cũng sẽ bị suy giảm.
"Với sự hạn chế về nguồn vốn như ở trên, có lẽ các chủ đầu tư các dự án bất động sản chủ yếu tập trung hoàn thành các dự án đã khởi động và đang dang dở để hoàn tất việc giao nhà cho người mua. Họ sẽ phải cân nhắc kỹ hơn đối với việc triển khai các dự án mới", ông Thanh khẳng định.
Tuy nhiên, về phía NHNN thì ông Du lại nêu quan điểm: "Đến cuối năm 2015, tỷ lệ an toàn vốn bình quân của các TCTD là khoảng 13%, với điều chỉnh của dự thảo Thông tư 36 từ 150% lên 250% thì tỷ lệ bình quân còn khoảng 12%, cao hơn mức 9% theo quy định của thông tư 36, như vậy không ảnh hưởng nhiều và trực tiếp đối với việc cấp tín dụng nói chung, trong đó có BĐS".
Nhìn nhận trực tiếp từ phía doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, nếu ngân hàng nhà nước ban hành thông tư 36 sửa đổi siết một phần vốn vào thị trường bất động sản, nó sẽ ảnh hưởng ngay lập tức trong ngắn hạn đối với thị trường. Các chủ đầu tư sẽ khó vay vốn hơn, đồng thời những người mua bất động sản để kinh doanh cũng sẽ khó vay vốn hơn từ đó nhu cầu đầu tư mua đi bán lại sẽ giảm sút gây khó khăn cho thị trường.
4. Dự thảo có ảnh hưởng đến những người đang mua nhà không?
Đánh giá từ phía NHNN, ông Phạm Huyền Anh - phó chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: "Quy định này chỉ áp dụng đối với các khoản phải đòi đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản để sinh lời, không áp dụng đối với hoạt động cấp tín dụng cho mục đích tiêu dùng, sửa chữa, cải tạo bđs. Không ảnh hưởng đến người vay mua nhà tiêu dùng".
Đồng quan điểm trên, ông Thanh cũng cho biết: "Theo tôi, việc sửa đổi thông tư 36 (nếu có) sẽ không ảnh hưởng đến người mua nhà đã ký hợp đồng vay tín dụng ... với các ngân hàng".
Hiện nay, theo quy định về luật kinh doanh bất động sản và luật nhà ở thì các dự án bất động sản một khi được các ngân hàng tài trợ thì ngân hàng sẽ cam kết tài trợ đủ nguồn vốn để dự án hoàn tất và giao nhà cho người mua. Nếu không, ngân hàng sẽ phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với người mua nhà. Do vậy, người mua nhà hoàn toàn có thể yên tâm,
Tuy nhiên, ông Thanh cũng lưu ý nếu bây giờ khách hàng mới đi tìm kiếm căn hộ dự án và ngân hàng tài trợ thì có lẽ sẽ ảnh hưởng đôi chút do mặt bằng lãi suất của các ngân hàng tài trợ cho các dự án và người mua nhà sẽ có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.
5. Bản thân các doanh nghiệp BĐS sẽ chuẩn bị nguồn vốn ra sao để tiếp tục dự án khi ngân hàng nhà nước đề nghị siết vốn vào lĩnh vực này?
Ông Nghĩa cho rằng, nếu ngân hàng nhà nước ban hành thông tư 36 sửa đổi siết một phần vốn vào thị trường bất động sản, nó sẽ ảnh hưởng ngay lập tức trong ngắn hạn đối với thị trường. Các chủ đầu tư sẽ khó vay vốn hơn, đồng thời những người mua bất động sản để kinh doanh cũng sẽ khó vay vốn hơn từ đó nhu cầu đầu tư mua đi bán lại sẽ giảm sút gây khó khăn cho thị trường.
Ngay từ bây giờ các công ty bất động sản phải tranh thủ tiếp cận các nguồn vốn khác ngoài nguồn vốn của ngân hàng như các quỹ đầu tư, liên kết các công ty trong nước và ngoài nước, huy động vốn trên thị trường chứng khoán...
Nhưng quan trọng hơn hết là các công ty bất động sản phải xem xét thật kĩ các dự án mình đang đầu tư để lựa chọn phân khúc phù hợp với đại đa số của người dân cũng như tận dụng tối đa các thế mạnh của công ty để tạo ra các sản phẩm sao cho có tính thanh khoản tốt nhất từ đó sử dụng được lượng vốn chính từ khách hàng mua căn hộ để giảm phụ thuộc vào ngân hàng.
"Các công ty bất động sản chuyên nghiệp theo tôi họ đều có kế hoạch chuẩn bị tốt và không bị ảnh hưởng", ông Thanh khẳng định.