Thoái vốn, PVI ghi nhận lỗ hàng chục tỷ đồng?

(BĐT) - Ngày 20/4/2016, Công ty CP PVI tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2016 tại Hà Nội. Khẳng định sẽ thoái vốn đầu tư tại một số công ty trong năm 2016 nhằm tập trung vào mảng kinh doanh chính, song Ban lãnh đạo PVI từ chối đưa thông tin cũng như lộ trình thoái vốn cụ thể tại các công ty này.
Giá dầu biến động tác động lớn đến doanh thu phí bảo hiểm ngành dầu khí của PVI. Ảnh: Gia Khoa
Giá dầu biến động tác động lớn đến doanh thu phí bảo hiểm ngành dầu khí của PVI. Ảnh: Gia Khoa

Tái bảo hiểm mang lại gần 2.000 tỷ đồng

Tại ĐHCĐ thường niên 2016, Công ty CP PVI cho biết, năm 2015, nhờ khoản lợi nhuận gần 510 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng cổ phần (CP), vốn góp tại các công ty liên doanh liên kết, PVI lãi ròng hơn 600 tỷ đồng (phần dành cho cổ đông công ty mẹ), tăng trưởng vượt bậc so với kết quả năm 2014 (279 tỷ đồng). Trên báo cáo của riêng công ty mẹ, PVI lãi sau thuế 530 tỷ đồng, gấp đôi kết quả kinh doanh năm 2014 và hoàn thành 231% kế hoạch đề ra.

Với kết quả khả quan năm 2015, PVI đã thông qua kế hoạch phân phối lợi nhuận khá xông xênh với mức cổ tức 20% (tương đương chi 468,5 tỷ đồng), Quỹ trích thưởng Ban điều hành 5,3 tỷ đồng (1% lợi nhuận sau thuế đạt được). Đại diện của cổ đông lớn nhất (HDI Global SE – nắm giữ 37,6% cổ phần) đề nghị PVI chi trả cổ tức “sớm nhất có thể”. Ban lãnh đạo PVI cho biết, do giá trị chi trả cổ tức năm 2015 rất lớn, Công ty sẽ cố gắng để chi trả không chậm hơn quý III năm nay, căn cứ vào dòng tiền thu được của Công ty. Năm ngoái, ĐHCĐ thường niên của PVI dự kiến mức cổ tức năm 2015 chỉ vào khoảng 9%.

Năm 2015, PVI tiếp tục giữ vị trí đứng đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với mức tăng trưởng gần 17%, chiếm gần 21% thị phần. Riêng mảng hoạt động này PVI đạt 7.823 tỷ đồng tổng doanh thu và 304 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Lĩnh vực tái bảo hiểm mang lại cho PVI 1.955 tỷ đồng doanh thu và 154 tỷ đồng lợi nhuận.

Năm 2016, nhằm tăng tính thanh khoản, PVI sẽ tiến hành các thủ tục chuyển niêm yết cổ phiếu Công ty từ HNX sang niêm yết trên HoSE. Hiện tại, PVI là một trong những công ty có quy mô vốn lớn nhất trên sàn HNX.

Thoái vốn khỏi PV2

Đó là khẳng định của Ban lãnh đạo Công ty khi được hỏi về kế hoạch thoái vốn của PVI trong năm 2016. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo PVI từ chối đưa thông tin cũng như lộ trình thoái vốn cụ thể tại các công ty khác.

Năm 2016, PVI đặt mục tiêu tổng doanh thu 10.368 tỷ đồng và 901 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ban lãnh đạo PVI lý giải đây là khoản lợi nhuận tổng của “tất cả công ty của PVI”, các mảng hoạt động cụ thể không được chỉ ra chi tiết
Hiện tại, PVI thông qua công ty con là CTCP Quản lý Quỹ PVI đang nắm giữ gần 12 triệu cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư PV2, tương đương 32,52% vốn điều lệ của công ty này. Đầu tháng 4/2016, Quản lý Quỹ PVI đã đăng ký bán ra toàn bộ số lượng cổ phiếu này thông qua thỏa thuận hoặc khớp lệnh. PV2 với kết quả kinh doanh khiêm tốn, hiện đang được giao dịch xung quanh mức giá 2.200 đồng/CP. Tính theo mức giá này, khoản đầu tư của PVI tại PV2 có giá trị khoảng 26,3 tỷ đồng. Trong khi đó, trước khi PVI chuyển nhượng PV2 cho Công ty Quản lý Quỹ, giá gốc khoản đầu tư nói trên được ghi nhận (vào cuối năm 2015) là 73,3 tỷ đồng. Như vậy, nếu thị giá PV2 không biến động bất thường, PVI sẽ phải ghi nhận khoản lỗ hàng chục tỷ đồng khi thoái vốn khỏi PV2.

Ngoài PV2, PVI cũng sẽ thoái vốn một số khoản đầu tư nhằm tập trung vào hoạt động chính, mặc dù theo đại diện PVI, không phải khoản đầu tư nào cũng mang lại lợi nhuận, việc thoái vốn nhìn chung là có lãi. Cũng cần nhắc lại, lợi nhuận năm 2015 của PVI đã có đóng góp đáng kể từ hoạt động thoái vốn của Công ty.

Không chỉ thoái vốn, năm 2016, PVI sẽ tiếp tục tìm kiếm cổ đông chiến lược cho Công ty Tái bảo hiểm PVI. Do đặc thù mảng kinh doanh tái bảo hiểm, việc tìm kiếm không dễ dàng, và hầu như chỉ có các đối tác ngoại mới đủ điều kiện đưa ra. 

Lao đao vì giá dầu

Tác động của giá dầu đến doanh thu phí bảo hiểm ngành dầu khí PVI bắt đầu từ cuối năm 2014. Trong năm 2015, doanh thu phí bảo hiểm trong ngành giảm khoảng một nửa so với năm 2014. Chính vì vậy, PVI buộc phải mở rộng các hoạt động ngoài dầu khí nhằm tăng hiệu quả kinh doanh. Theo dự đoán của PVI, tác động của giá dầu lên doanh thu bảo hiểm ngành dầu khí của Công ty năm 2016 sẽ còn bất lợi hơn nữa. Hướng hoạt động của PVI trong thời gian tới là nhằm vào các doanh nghiệp ngoài ngành dầu khí để bổ sung khoản hụt thu này.

Năm 2016, PVI đặt mục tiêu tổng doanh thu 10.368 tỷ đồng và 901 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Ban lãnh đạo PVI lý giải đây là khoản lợi nhuận tổng của “tất cả công ty của PVI”, các mảng hoạt động cụ thể không được chỉ ra chi tiết. Tuy nhiên, kế hoạch của riêng công ty mẹ PVI lại tương đối khiêm tốn với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt được đề ra là 618 tỷ đồng và 306 tỷ đồng, tương đương giảm 37,1% và 46,3% so với kết quả đạt được năm 2015.

Một điểm thuận lợi về tình hình kinh doanh năm 2016 là Nghị định 119/2015/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ 15/1/2015. Nghị định này quy định bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, sẽ tác động tích cực lên doanh thu của PVI cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm khác. Trao đổi bên lề, Ban lãnh đạo PVI đánh giá, Nghị định 119 không chỉ thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mà còn góp phần lành mạnh hóa môi trường đầu tư, phát triển các dự án.

Chuyên đề