“Cục nợ” của Bộ Quốc phòng
Cho đến khi đăng ký giao dịch trên UPCoM, tỷ lệ sở hữu của Bộ Quốc phòng (BQP) tại X18 vẫn là 53,81%, tương đương 2,24 triệu CP. X18 nằm trong danh sách các doanh nghiệp phải thoái vốn của BQP cùng với 11 đơn vị khác.
Là một công ty chuyên sản xuất xi măng, X18 không đứng ngoài những khó khăn mà ngành này phải chịu. Tính đến cuối quý III/2016, X18 còn lỗ lũy kế 52,4 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của Công ty tại cùng thời điểm là 41,6 tỷ đồng. Với khoản lỗ này, X18 đã chính thức âm vốn điều lệ 2 tỷ đồng vào cuối quý III/2016.
Trong 4 năm trở lại đây (từ 2013 - 9 tháng đầu năm 2016), Công ty liên tục lỗ thuần về hoạt động kinh doanh dù đã nỗ lực cải thiện hiệu quả sản xuất bằng cách tính toán tối ưu mức nguyên vật liệu đầu vào.
Riêng năm 2015, nhờ khoản lợi nhuận bất thường 90,5 tỷ đồng, X18 chính thức lãi hơn 30 tỷ đồng. Được biết 2015 cũng là năm bản lề để Công ty chuẩn bị lên sàn UPCoM. Một khoản lợi nhuận, cho dù là từ nguồn nào, về mặt nào đó cũng giúp X18 có một “lý lịch” đủ sáng để chính thức giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung.
Được biết, hơn 90,5 tỷ đồng lợi nhuận bất thường nói trên chủ yếu đến từ khoản công nợ không phải trả Liên danh nhà thầu Sinoma - Jixin - HBCC (90,4 tỷ đồng). Do liên danh nhà thầu nói trên đã vi phạm hợp đồng thi công nên X18 với vai trò là chủ đầu tư đã đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Tuy nhiên kiểm toán cho biết, Công ty chưa cung cấp bất kỳ quyết định của cơ quan trọng tài kinh tế nào về việc tranh chấp kinh tế có thể xảy ra theo hợp đồng nêu trên. Vì vậy, không ngoại trừ việc ghi nhận khoản thu nhập 90,4 tỷ đồng sẽ bị khiếu kiện và đưa ra các quyết định bất lợi. Nói cách khác, 90,4 tỷ đồng chưa phải là thu nhập chắc chắn. Ngoài ra, báo cáo tài chính năm 2015 của X18 cũng bị kiểm toán đưa ra một loạt ý kiến xung quanh các khoản mục hàng chục tỷ đồng.
Năm 2017, theo kế hoạch X18 sẽ tiếp tục thua lỗ thêm khoảng 50 tỷ đồng, tình hình tài chính của Công ty sẽ càng thêm bê bết.
Quyết định “việt vị”
Tuy nhiên chỉ sau đó ít lâu, BQP đã có công văn gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (nơi tổ chức đấu giá X18) đề nghị dừng tổ chức phiên đấu giá. Nguyên nhân là cần xác minh lại một số nội dung thông tin, bảo đảm công khai minh bạch và không làm thất thoát vốn nhà nước. Có vẻ như, mức giá khởi điểm 10.000 đồng/CP được cho là “hớ” khiến BQP phải xem xét cẩn trọng.
Kết quả kinh doanh không mấy khả quan, điểm sáng của Công ty có lẽ là diện tích đất khổng lồ đang được giao quản lý. Cụ thể là 101.484 m2 đất quốc phòng, 332.085 m2 đất thuê của Nhà nước và 215.300 m2 đất đang giải quyết thủ tục để thuê.
Cuối cùng, như đã thấy, BQP quyết định không thoái vốn thông qua đấu giá mà quyết định “xả hàng” trong 2 phiên giao dịch đầu tiên của X18 trên UPCoM. Cụ thể, 2 phiên giao dịch 19/1 và 20/1/2017, toàn bộ CP của X18 do BQP nắm giữ đã được giao dịch khớp lệnh trên sàn. Đáng nói là mức giá khởi điểm của X18 khi lên sàn UPCoM chỉ ở mức 8.000 đồng/CP, thấp hơn tới 20% so với mức giá khởi điểm của phiên đấu giá đã bị hủy bỏ. Ngày tiếp theo, X18 đóng cửa tại mức giá 9.400 đồng/CP, vẫn thấp hơn mức giá khởi điểm nói trên. Từ bấy đến nay, X18 liên tục giảm sàn, đóng cửa phiên 7/2/2017 chỉ còn mức giá 6.100 đồng/CP.
Thoái vốn trên sàn dường như là một quyết định không mấy khôn ngoan của BQP khi giá trị thu về thấp hơn mệnh giá. Hủy bỏ kế hoạch đấu giá trong bối cảnh có nhiều nhà đầu tư quan tâm để bán giá thấp trên sàn, phương án thoái vốn của BQP tại X18 gây nên sự khó hiểu cho nhà đầu tư.