Thiếu vật liệu đất đắp tại Đắk Nông: Đẩy nhanh đấu giá, gỡ vướng thủ tục

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đắk Nông có trữ lượng đất làm vật liệu san lấp khá lớn, nhưng trong số 112 mỏ vật liệu đất đắp được đưa vào quy hoạch khai thác phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh, hiện mới có 1 mỏ được cấp phép khai thác, khối lượng 22.645 m3 phục vụ san lấp công trình Quảng trường Trung tâm TP. Gia Nghĩa. Đắk Nông đang lập thủ tục đấu giá 40 mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn với tổng trữ lượng tài nguyên dự báo hơn 31,7 triệu m3.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định 112 mỏ đất san lấp với diện tích 1.053,57 ha, tổng trữ lượng trên 79 triệu m3. Ảnh: Lê Phước
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã xác định 112 mỏ đất san lấp với diện tích 1.053,57 ha, tổng trữ lượng trên 79 triệu m3. Ảnh: Lê Phước

Nhiều dự án thi công cầm chừng vì thiếu đất đắp

Dự án Quảng trường Trung tâm TP. Gia Nghĩa có tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng, là công trình trọng điểm của tỉnh Đắk Nông, được khởi công từ cuối năm 2022, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông (BQLDA) làm chủ đầu tư, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) là nhà thầu thi công gói thầu xây lắp. Theo tiến độ hợp đồng, công trình được hoàn thành cuối năm 2023 nhưng đến nay vẫn dang dở và thi công cầm chừng do thiếu đất đắp.

Số liệu thiết kế cho thấy, toàn Dự án cần khoảng 360.000 m3 đất để san lấp mặt bằng, trong đó, đất tự điều phối trong nội bộ công trình là 60.000 m3, còn lại lấy từ các dự án khác đang thi công trên địa bàn Tỉnh. Đại diện Chủ đầu tư cho biết, từ khi khởi công đến nay, vật liệu đất đắp mới đáp ứng được 90.000 m3, còn thiếu khoảng 270.000 m3 nên tiến độ thi công cầm chừng, chờ hoàn tất thủ tục cấp phép mỏ đất đắp mới cung ứng cho Dự án.

Cũng trên địa bàn TP. Gia Nghĩa, Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Lê Thánh Tông đang thiếu khoảng 15.000 m3 đất đắp. Bí nguồn vật liệu trong khi tiến độ thi công vẫn phải đảm bảo, nhà thầu là Công ty TNHH MTV Thịnh Thành Đắk Nông đã khai thác “lậu” khoảng 50.000 m3 đất để phục vụ Dự án. Hành vi này đã bị UBND TP. Gia Nghĩa chỉ đạo xử lý. Hệ lụy là Dự án bị ngừng thi công gần 1 năm nay.

Dù mới khởi công trong tháng 4/2024, nhưng Dự án Đường Lê Duẩn nối đường Võ Văn Kiệt (TP. Gia Nghĩa) có nguy cơ “dậm chân tại chỗ” do không có đất đắp. Một loạt dự án khác do Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất TP. Gia Nghĩa làm chủ đầu tư cũng trong tình cảnh tương tự như: Dự án Khu tái định cư Thủy điện Đắk R’tih (kênh phụ trợ số 8), Dự án Đường bờ Tây hồ trung tâm, Dự án Đường bờ Đông hồ trung tâm…

Rút ngắn thời gian, gỡ vướng thủ tục

Trong quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Tỉnh đã xác định có 112 mỏ đất san lấp. Diện tích các mỏ quy hoạch là 1.053,57 ha với tổng trữ lượng trên 79 triệu m3. Trong số này, có 51 mỏ vướng quy hoạch bô xít, 61 mỏ nằm ngoài quy hoạch. Đối với 61 mỏ nằm ngoài quy hoạch bô xít, địa phương đang rà soát tiến hành đấu giá cấp quyền khai thác, nhưng tiến độ đấu giá chậm do vướng nhiều thủ tục.

Đối với 51 mỏ vật liệu thông thường vướng quy hoạch bô xít, tại Quyết định số 333/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh nơi có khoáng sản lập đề án triển khai khoanh định chính xác tọa độ khép góc các khu vực sẽ cấp phép để giảm thiểu diện tích chiếm đất bị ảnh hưởng của các dự án khai thác mỏ. Địa phương được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác trên phần diện tích không có khoáng sản được loại bỏ trên cùng một khu vực đã quy hoạch.

Tại Đắk Nông, hiện Cục Địa chất Việt Nam đã trình Bộ TN&MT đề xuất thực hiện nhiệm vụ tổng hợp tài nguyên, trữ lượng quặng bô xít trong phạm vi các dự án thuộc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Đầu tháng 5/2024, UBND tỉnh Đắk Nông đã có công văn gửi Bộ TN&MT đề nghị cung cấp tọa độ, ranh giới 37 dự án đầu tư công nằm trong vùng quy hoạch bô xít của Tỉnh. Đây đều là những dự án cấp thiết đề nghị có chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Hiện tại, Cục Địa chất đã tham mưu với Bộ TN&MT cho triển khai nhiệm vụ “tổng hợp tài nguyên, trữ lượng quặng bô xít trong phạm vi các dự án thuộc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông”.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đắk Nông đang phối hợp với các đơn vị liên quan làm thủ tục để đưa ra đấu giá 40 mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn 8 huyện, thành phố. Các mỏ này có tổng trữ lượng tài nguyên dự báo là hơn 31,7 triệu m3. Trong đó, mỏ đất ở huyện Cư Jút có trữ lượng lớn nhất với gần 13 triệu m3, Đắk Mil có tổng trữ lượng hơn 7 triệu m3 và Krông Nô có tổng trữ lượng trên 6,7 triệu m3… Các huyện, thành phố phía Nam của tỉnh Đắk Nông có số lượng, diện tích, trữ lượng các mỏ được đấu giá thấp hơn. Trong đó, hai địa phương có trữ lượng mỏ thấp nhất là TP. Gia Nghĩa và huyện Đắk Song (mỗi địa phương chỉ có hơn 0,3 triệu m3).

Theo Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông, vướng mắc lớn nhất hiện nay là việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường, bởi các thủ tục cấp phép sau đấu giá cũng phải lập hồ sơ như khai thác vàng, titan, than, bô xít nên thời gian kéo dài. Một số tổ chức, cá nhân không lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mà thực hiện hành vi khai thác trái phép, làm thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường, nhất là đối với cát sỏi lòng sông, đất san lấp. Vướng mắc tiếp theo là nhà thầu tư vấn thực hiện quy hoạch Tỉnh vẫn chưa hoàn thiện bản đồ về diện tích, vị trí các mỏ đất san lấp trình cấp thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở để Sở TN&MT thực hiện trình tự thủ tục cấp phép theo quy định khi nhà đầu tư trúng đấu giá.

Theo Sở TN&MT, trong trường hợp thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục từ cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng, cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản thì phải mất 6 - 9 tháng, thậm chí đến 2 năm. “Nếu không tính thời gian đấu giá, Sở TN&MT sẽ nỗ lực rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ để cấp phép xuống còn khoảng 154 ngày làm việc. Để rút ngắn thời gian thì đơn vị có nhu cầu phải tích cực thực hiện các hồ sơ theo hướng dẫn. Các sở, ngành cần chung tay, góp sức thì tiến độ mới được đẩy nhanh. Nếu tất cả các điều kiện đều lý tưởng, ít nhất đến đầu hoặc giữa năm 2025, các mỏ đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mới có thể đi vào khai thác”, lãnh đạo Sở TN&MT Đắk Nông cho hay.

Chuyên đề