Ảnh Internet |
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã hoàn thành CPH 6 DNNN; công bố giá trị DN và xây dựng phương án CPH để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 14 DN, trong đó có những DN có quy mô vốn chủ sở hữu rất lớn như 3 DN thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (có tổng giá trị vốn chủ sở hữu gần 90.000 tỷ đồng), 1 DN thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (có giá trị vốn chủ sở hữu khoảng 24.000 tỷ đồng); và đang tiến hành xác định giá trị DN của 20 DN.
Về bán phần vốn nhà nước tại DN, 6 tháng đầu năm 2017, có 22 DN đã tiến hành bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại DN với tổng giá trị 666,8 tỷ đồng (bằng 76,5% so với cùng kỳ năm 2016), thu về 11.589,3 tỷ đồng (bằng 314,11% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó, có 6 DN thoái vốn dưới mệnh giá.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, trong 6 tháng đầu năm, tiến độ CPH, thoái vốn nhà nước tại DN diễn ra còn chậm, đạt tỷ lệ thấp. Tiến độ bàn giao các DN sau CPH về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng chưa có nhiều cải thiện.
Tại buổi làm việc với Lãnh đạo TP. Hà Nội và Lãnh đạo TP.HCM ngày 11/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, hạn chế trong CPH 6 tháng đầu năm 2017 là tiến độ sắp xếp, CPH, thoái vốn không đạt yêu cầu, mục tiêu, kế hoạch đặt ra, làm “dồn” việc cho 6 tháng cuối năm. Đặc biệt có 578 DN chưa đăng ký niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán theo quy định. Nguyên nhân của những hạn chế này là do chỉ đạo, điều hành của một số bộ, ngành địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực sự quyết liệt.