Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển nóng và đầy rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
Việc các doanh nghiệp bất động sản gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, trong khi công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại (NHTM) đẩy mạnh việc phân phối trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân, khiến nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua có thể gây nên việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tăng trưởng nóng, có nguy cơ sụp đổ cao.
Sự nóng lên của thị trường trái phiếu có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh lãi suất. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Sự nóng lên của thị trường trái phiếu có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh lãi suất. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Đây là nhận định do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) công bố trong Báo cáo Kinh tế Vĩ mô quý 2 và sáu tháng đầu năm 2020 vào sáng 21/7, tại Hà Nội.

Theo dữ liệu công bố của các doanh nghiệp và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tổng lượng TPDN phát hành trong sáu tháng đầu năm ước tính ở mức 159.000 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, các NHTM phát hành 42.500 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân 6,72%/năm và kỳ hạn bình quân 4,7 năm. So với lãi suất tiền gửi thì đây là một mức lãi suất cao và hấp dẫn mạnh đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Theo phân tích của VERP, do tại Việt Nam chưa tồn tại một tổ chức độc lập và uy tín để xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp, sự nóng lên của thị trường trái phiếu có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh lãi suất, chất lượng trái phiếu doanh nghiệp không đồng đều, đẩy rủi ro về phía người mua, như phải tự thẩm định, đánh giá. Trước mắt do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, áp lực đối với việc trả nợ của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng sẽ bị đẩy lên cao hơn, làm tăng rủi ro vỡ nợ.

Đặc biệt, hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đang gia tăng huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, cùng lúc đó các công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc phân phối TPDN cho nhà đầu tư cá nhân, khiến nhà đầu tư cá nhân tiếp tục xu hướng tăng mua TPDN. Từ đó gây nên việc thị trường TPDN tăng trưởng nóng, nguy cơ sụp đổ cao.

Theo số liệu có Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) luỹ kế từ đầu năm nay tới cuối tháng 5 có 597 đợt phát hành TPDN, từ 100 doanh nghiệp phát hành, với giá trị phát hành là 91,616 tỉ đồng.

Tỷ trọng quy mô phát hành riêng lẻ trong tháng 5 ghi nhận nhiều nhất là 42% từ các tổ chức tín dụng, 20% từ dịch vụ và 17% từ khu vực bất động sản.

Sang tới tháng 6, hầu hết các đợt phát hành riêng lẻ phần lớn cũng đến từ khối ngân hàng và bất động sản. Chẳng hạn như CTCP Sovico có 10 đợt phát trái phiếu riêng lẻ trị giá 2,200 tỉ đồng vào đầu tháng 6, hay CTCP Vinhomes với 6 đợt phát hành trị giá 8,890 tỉ đồng. Ngoài ra còn các đợt phát hành từ CPCP Nam Long, Tập đoàn Đất Xanh và BCG Land. Các NHTM như SHB, OCB, BacABank, TPBank, BIDV, và HDBank cũng đều có một hoặc nhiều đợt phát hành riêng lẻ trong tháng 6, với giá trị phát hành dao động từ 2,5 tỉ đến 1.000 tỉ đồng.

Chuyên đề