Thị trường ngoại hối "đen" sẽ khó tạo sóng đầu cơ 2016

Đó là một trong những quan điểm của TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế trong cuộc trao đổi xung quanh cơ chế tỷ giá mới sẽ được NHNN thực hiện trong năm 2016…
TS. Vũ Đình Ánh
TS. Vũ Đình Ánh

NHNN đã cho biết sẽ công bố cơ chế tỷ giá mới, theo ông, cơ chế này sẽ phát huy tác dụng như thế nào trong việc định hướng chính sách tỷ giá?

Tôi cho rằng đã đến thời điểm hội tụ đủ các điều kiện bên trong và bên ngoài để NHNN đưa ra một cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái mới: Thứ nhất, phục vụ cho tiến trình hội nhập của Việt Nam.

Thứ hai, chúng ta tiếp tục tiến trình đẩy mạnh chống đô la hóa nền kinh tế và thông qua đó tăng cường hiệu lực về chính sách tiền tệ trong việc phục vụ cho tăng trưởng kinh tế cũng như ổn định, kiềm chế kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.

Với cơ chế điều hành tỷ giá mới, tương quan giữa đồng VN với USD sẽ được định vị như thế nào?

Về nguyên tắc, cơ chế điều hành tỷ giá hối đoái mới, chúng ta sẽ dựa trên mấy trụ cột: Thứ nhất, cách xác định tỷ giá hối đoái, chúng ta gọi là tỷ giá hối đoái trung tâm dựa trên không chỉ là mối quan hệ trực tiếp giữa đồng Việt Nam và đồng USD như là một đồng ngoại tệ phổ biến hiện nay trong quan hệ thương mại, quan hệ đầu tư, tài chính của Việt Nam, mà chúng ta cũng sẽ tính toán tỷ giá trung tâm đó dựa trên mối tương quan giữa tỷ giá hối đoái giữa đồng USD với một số đồng tiền chủ chốt khác và căn cứ vào đó xác định một tỷ giá hối đoái hợp lý nhất trong mối quan hệ thương mại đa chiều của Việt Nam hiện nay chứ không chỉ là mối tương quan trực tiếp giữa VNĐ và đồng USD như trước đây.

Thứ hai, đó là việc chúng ta sử dụng tỷ giá hối đoái liên ngân hàng thực tế giao dịch hàng ngày và theo đó chúng ta sẽ công bố tỷ giá hối đoái giao dịch trung tâm đó hàng ngày.

Tôi cho rằng, với cách dự định điều hành như vậy chắc chắn là sẽ linh hoạt và chủ động, đồng thời cũng phản ánh các nguyên tắc thị trường hơn so với cách điều hành tỷ giá hối đoái như trước đây mà chúng ta cũng cố định trong thời gian khá dài và tỷ giá hối đoái liên ngân hàng đó chưa phải là tỷ giá thực tế.

Thứ ba, cũng không kém phần quan trọng là việc công bố tỷ giá trung tâm cũng như cách xác định tỷ giá đó chúng ta cũng đưa thêm biện pháp, công cụ để làm sao tỷ giá trung tâm chúng ta công bố đó tạo ra hiệu lực và khả năng của chúng ta có thể can thiệp để tăng cường hiệu lực, hiệu quả về chính sách tiền tệ nói chung cũng như điều hành tỷ giá hối đoái nói riêng trên thị trường tiền tệ Việt Nam, đó là chúng ta sẽ bổ sung các công cụ nghiệp vụ để làm sao tỷ giá đó kể cả các công cụ phái sinh hay là các hoạt động để chuyển hẳn quan điểm quản lý ngoại hối của Việt Nam từ quan hệ tín dụng trước đây sang quan hệ mua bán trực tiếp đồng ngoại tệ nói chung cũng như là đồng USD, theo đó sẽ giảm được mức độ đô la hóa cho nền kinh tế.

Theo ông, cách thức điều hành tỷ giá mới sẽ làm thay đổi tâm lý cũng như việc găm giữ ngoại tệ hiện nay?

Ở đây có 2 vấn đề tôi cho rằng liên quan tới tâm lý găm giữ ngoại tệ cũng như liên quan tới các trường hợp đầu cơ liên quan tới tỷ giá cũng như đầu cơ ngoại tệ trong một số thời gian gần đây kể cả ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý thì với việc điều hành cơ chế tỷ giá hối đoái mới mà chúng ta có thể là sẽ công bố hàng ngày với một biên độ cho phép thì rõ ràng sẽ giảm được mức độ kỳ vọng quá mức vào việc phá giá hay nỗ lực quá mức để giữ tỷ giá hối đoái như là trong thời gian vừa qua chúng ta đã phải làm.

Vấn đề thứ hai quan trọng hơn là chúng ta dựa trên nền tảng ổn định của đồng tiền Việt Nam, đồng thời tăng niềm tin trong việc sử dụng, tích trữ bằng đồng Việt Nam thay vì ngoại tệ như trước đây, trong đó kể cả đồng USD và cùng với việc chúng ta kéo giảm lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ bằng đồng USD về mức 0% thì có thể nói tất cả những biện pháp đó đồng hướng với việc giảm tình trạng đô la hóa cũng như giảm tâm lý và thực tế về tích trữ và găm giữ đồng ngoại tệ để làm sao chúng ta có một thị trường ngoại tệ diễn biến theo nguyên tắc của thị trường nhiều hơn và đồng thời với đó là giữ được hai nguyên tắc chủ chốt trong điều hành chính sách tỷ giá hối đoái là nguyên tắc chủ động và nguyên tắc linh hoạt gắn với thị trường.

Quay trở lại câu chuyện người dân và DN có nhu cầu về ngoại tệ. Trước đây có thể đến ngân hàng mua bán hoặc vay thì bây giờ họ chuyển chỉ còn là quan hệ mua hoặc bán thôi. Vậy thì trong năm 2016 này họ sẽ phải ứng xử như thế nào đối với đồng ngoại tệ mà họ có trong tay hoặc là họ sẽ phải mua từ NHTM?

Rõ ràng, việc dịch chuyển từ quan hệ tín dụng ngoại tệ, kể cả tín dụng tiền gửi cũng như cho vay bằng ngoại tệ chuyển dần và tiến tới là hoàn toàn sang quan hệ mua – bán ngoại tệ thì sẽ giúp rất nhiều trong việc ổn định tỷ giá hối đoái cũng như đảm bảo sự ổn định trên thị trường ngoại tệ, tránh những kỳ vọng hay những hoạt động đầu cơ liên quan tới hoạt động tín dụng bằng ngoại tệ.

Bên cạnh đó, với cách điều hành tỷ giá hối đoái một cách linh hoạt và theo các nguyên tắc thị trường như vậy thì rõ ràng với những đối tượng nắm giữ cũng như có nhu cầu đối với ngoại tệ và đối với USD nói riêng thì có thể có những quyết định mà sẽ phù hợp hơn với diễn biến của thị trường, đồng thời với đó là quan hệ cung cầu trên thị trường cũng như là căn cứ vào khả năng có thể dự báo được trong cách điều hành tỷ giá hối đoái hàng năm thay vì chúng ta đưa ra những biên độ và cam kết ràng buộc mà trong khi bối cảnh hay những điều kiện thực tế có thể là chúng ta khó khăn trong giữ các cam kết ràng buộc tạo ra tâm lý không tốt trong việc đầu cơ găm giữ ngoại tệ để kiếm lợi trong những trường hợp tỷ giá bị thay đổi đột ngột.

Với cơ chế mới, theo ông, tình trạng đầu cơ ngoại tệ sẽ như thế nào?

Tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ vẫn có thể xảy ra, tuy nhiên tính chất đầu cơ sẽ thay đổi và chủ yếu tuân theo nguyên tắc, diễn biến, cân đối trên thị trường, thay vì dự báo, tâm lý kỳ vọng vào những thay đổi trong chính sách điều hành hoặc là tỷ giá hối đoái diễn biến hàng ngày và diễn biến có lên, có xuống theo một rổ tiền tệ và do chịu tác động của rất nhiều yếu tố của thị trường bên trong cũng như bên ngoài.

Do đó, đối với giới đầu cơ, việc dự báo để có thể tăng cường đầu cơ đối với ngoại tệ sẽ giảm đi rất nhiều do khả năng dự báo, dự đoán sẽ khó hơn rất nhiều.

Vấn đề thứ hai để chống găm giữ và đầu cơ này tôi cho rằng rất quan trọng đi đôi với tỷ giá hối đoái là các chính sách về quản lý ngoại hối cũng như làm sao giảm thiểu vai trò, hoạt động của thị trường ngoại hối phi chính thức – còn gọi là thị trường ngoại hối đen.

Thông qua đó, để chuyển hoạt động kể cả mua bán ngoại tệ như chúng ta mong muốn vào hệ thống chính thức thì việc đầu cơ, găm giữ, sử dụng ngoại tệ một cách không hợp lý trên thị trường sẽ giảm đi rất nhiều.

 

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam:

Quan điểm điều hành chính sách tỷ giá của NHNN vẫn luôn nhất quán và kiên định mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

NHNN sẽ vẫn công bố tỷ giá nhưng khác ở chỗ tỷ giá có thể được điều chỉnh lên/xuống hàng ngày. Tỷ giá do NHNN công bố sẽ được xác định trên cơ sở: Tham chiếu diễn biến của đồng USD và một số đồng tiền trên thế giới; tham chiếu tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng; và trên cơ sở các cân đối vĩ mô, tiền tệ, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế vĩ mô.

Việc điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn, phù hợp với bối cảnh thương mại và đầu tư quốc tế sẽ luân chuyển nhanh hơn và mạnh hơn sau hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.

Bên cạnh đó, việc cân nhắc mức độ tham chiếu các yếu tố nêu trên để xác định tỷ giá công bố sẽ được NHNN cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo yếu tố linh hoạt, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố quản lý theo đúng chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý đã được xác định tại các văn bản về quản lý ngoại hối hiện hành.

Cách thức điều hành tỷ giá mới này sẽ cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt, kịp thời hơn với diễn biến trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc điều hành tỷ giá theo cách thức mới, NHNN sẽ thực hiện các giải pháp Chính sách tiền tệ đồng bộ để đảm bảo mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư