Thị trường mua bán nợ Việt Nam vẫn còn khá sơ khai

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thị trường mua bán nợ Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Trong đó, những vấn đề đáng chú ý là: khung pháp lý cho hoạt động thị trường mua bán nợ chưa thống nhất, bất cập, thiếu và yếu; thị trường chưa thu hút được đa dạng chủ thể tham gia, dẫn đến số lượng chủ thể còn ít; hàng hóa trên thị trường mua bán nợ chưa đa dạng…
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Đó là quan điểm của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh tại tọa đàm “Phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam” ngày 29/11/2022.

Theo ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý nợ xấu cũng như thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, quy mô của thị trường mua bán nợ Việt Nam so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… vẫn còn khiêm tốn, quá trình hoạt động đã bộc lộ không ít tồn tại, thách thức về khuôn khổ pháp lý cũng như công tác quản lý, giám sát và vận hành thị trường mua bán nợ; các đối tượng tham gia thị trường mua bán nợ còn ít; hàng hóa giao dịch trên thị trường mua bán nợ chưa đa dạng và mới chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong số các khoản nợ xấu cần xử lý.

Từ phía NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, thị trường mua bán nợ nói chung, thị trường mua bán nợ xấu nói riêng được định nghĩa là nơi diễn ra những hoạt động trao đổi, mua bán các khoản nợ hay “quyền thu hồi nợ” trên thị trường của các chủ thể trong nền kinh tế để tránh rủi ro về mặt tài chính và tăng tính thanh khoản cho các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng. Chính vì vậy, sự ra đời và phát triển của thị trường mua bán nợ đã, đang và sẽ đóng góp vô cùng quan trọng trong sự phát triển của thị trường tài chính nói chung, và sự ổn định, an toàn tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng và hệ thống doanh nghiệp tại Việt Nam.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của thị trường mua bán nợ, Đảng và Nhà nước cũng dành nhiều sự quan tâm đến việc xây dựng khung pháp lý cho hoạt động mua bán nợ hướng tới hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. Một trong những cột mốc quan trọng tạo tiền đề cho sự phát triển của thị trường mua bán nợ nói chung và nợ xấu nói riêng đó là sự ra đời và chính thức đi vào hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC vào ngày 15/10/2021. Nhờ đó, hoạt động của thị trường mua bán nợ tại Việt Nam bước đầu đã có chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy quá trình xử lý thu hồi nợ của ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Phó Thống đốc nhận định, trên thực tế, thị trường mua bán nợ Việt Nam về cơ bản vẫn còn khá sơ khai, quy mô thị trường mua bán nợ còn khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực; kỹ thuật, phương pháp định giá khoản nợ còn thiếu tính thị trường; hạ tầng công nghệ thông tin còn nhiều bất cập, chưa có sự kết nối thông tin chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia thị trường…

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định 986/QĐ-TTg ngày 18/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ mục tiêu đưa “nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dưới 3% vào năm 2025”. Để đạt được mục tiêu này, Phó Thống đốc NHNN cho rằng cần có quyết tâm với tinh thần trách nhiệm cao, áp dụng nhiều hình thức và biện pháp hiệu quả.

Theo Phó Thống đốc, bối cảnh kinh tế thế giới giai đoạn tới được dự báo diễn biến khó lường, tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và những bất ổn về chính trị và xung đột vũ trang ở một số khu vực trên thế giới đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp, làm suy giảm khả năng trả nợ của khách hàng vay, dẫn tới nợ xấu của các tổ chức tín dụng có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Do đó, việc thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng. Phó Thống đốc nhấn mạnh, NHNN và ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị hoạt động hiệu quả, thực hiện đầy đủ chức năng nhiệm vụ, sứ mệnh được giao, từng bước tiến tới xây dựng thị trường mua bán nợ tập trung trong tương lai.

Chuyên đề