Khung pháp lý chưa đầy đủ là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự èo uột của thị trường mua bán nợ. Ảnh: MT st |
Một khoản nợ, bán 6 lần không xong
Nhiều năm làm trong ngành ngân hàng và tham gia quá trình mua bán nợ xấu, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng BIDV chia sẻ: “Định giá được coi là khâu cốt yếu để quyết định thành - bại của việc bán nợ. Nhưng có những khoản nợ chúng tôi bán đến 6 lần không được vì công ty định giá đưa ra mức giá không phù hợp với thị trường. Sau đó, giá trị khoản nợ lại được điều chỉnh với mức giảm hạn chế. Do đó, quá trình bán nợ xấu dây dưa nhiều lần mà không xong”.
Cũng từ góc độ này, một chuyên gia đến từ Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nêu quan điểm: “Hiện nay, có những quan điểm về xử lý nợ xấu chưa phù hợp làm chậm quá trình này, đặc biệt là định giá nợ. Ở nhiều nước, việc định giá khoản nợ xấu chỉ bằng 20 - 30% giá trị sổ sách là chuyện bình thường. Trong khi đó tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, bán nợ xấu phải bằng cả nợ gốc thậm chí cả lãi. Điều này là không thể thực hiện được”.
Phân tích rõ hơn nội dung này, vị chuyên gia của VAMC cho biết, một trong những điểm yếu khiến việc định giá nợ gặp nhiều lúng túng và tranh cãi là chưa có quy định hướng dẫn cụ thể cho nghiệp vụ này. “Thực tế, việc định giá nợ thường được dựa trên giá trị của tài sản bảo đảm, trong khi đó, giá trị khoản nợ phải bao gồm cả khả năng quản trị và bù trừ nhiều yếu tố khác”, vị chuyên gia này nói.
Tương đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Trước đây, khi còn làm ngân hàng, tôi đã từng bán nợ với giá chỉ bằng 51% giá trị sổ sách của khoản nợ. Với nhiều khoản nợ, giá trị bán thực tế có thể thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách. Người mua có thể mua được với giá thấp và sau khi cơ cấu lại, họ có thể bán đươc giá cao. Đây là câu chuyện phổ biến của thị trường nợ nhưng dường như nhiều ý kiến vẫn chưa đồng tình. Do đó, thị trường nợ đã hình thành từ lâu nhưng vẫn èo uột”.
Từ những bất cập trong khâu định giá các khoản nợ, các chuyên gia thống nhất quan điểm là cần phải có hướng dẫn cụ thể về việc định giá nợ, trong đó, phải chuẩn hóa các tiêu chí đánh giá, công thức tính toán cụ thể.
Pháp lý chưa đầy đủ
Bên cạnh khó khăn về định giá khoản nợ, theo các chuyên gia, còn có một số điều kiện cần đáp ứng đủ để phát triển thị trường nợ. Đó là: hệ thống luật pháp cần chặt chẽ và chi tiết cho hoạt động mua bán nợ; đa dạng hóa các loại hàng hóa và phương thức mua bán nợ; thông tin minh bạch về khoản nợ, bên mua, bên bán; khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia thị trường; phát triển thị trường thứ cấp.
Ông Cấn Văn Lực cho rằng, cần thiết phải có một nghị định về hoạt động mua bán nợ trong đó quy định rõ về hoạt động và vận hành của thị trường nợ. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện mua bán nợ nhưng vẫn chưa đủ các quy định cần thiết. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các sản phẩm nợ khác như nợ cá nhân, thẻ tín dụng, trái phiếu... cùng với việc chứng khoán hóa các khoản nợ để tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Đồng thời, cần đẩy mạnh các cách thức bán nợ khác bên cạnh việc đấu giá và bán trực tiếp. Ngoài ra, khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia để đa dạng hóa thị trường và phát triển thị trường thứ cấp là hai điều kiện để thị trường nợ tiến lên một bước mới.
Còn theo ông Phạm Xuân Hòe, rất cần sự có mặt và hoạt động tích cực của các công ty xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam. “Theo tôi được biết, mới chỉ có 1 công ty xếp hạng tín nhiệm Việt Nam nhưng gần như chưa hoạt động gì và nhiều người e ngại tính độc lập của công ty đó. Do đó, khi cần xếp hạng tín nhiệm, các doanh nghiệp Việt Nam thường phải thuê các công ty nước ngoài. Đây là dịch vụ cần thiết để hỗ trợ cho việc định giá doanh nghiệp, định giá khoản nợ. Hơn hết, điều kiện tiên quyết là phải minh bạch hóa toàn bộ thông tin về khoản nợ, về tài chính doanh nghiệp và hoạt động thị trường” - ông Hòe phân tích.