Hai yếu tố tác động lớn nhất đến tỷ giá trong nước là Trung Quốc phá giá nhân dân tệ và Fed tăng lãi suất USD. |
Tỷ giá vọt tăng
Mở cửa thứ Hai tuần này (30/5), tỷ giá VND/USD đã vọt lên mức cao nhất tính từ đầu năm, niêm yết ở mức 22.390-22.460 đồng/USD. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tuần, USD đã tăng giá 100 đồng/USD và đứng ở mức cao nhất tính từ nửa cuối tháng 1/2016 đến nay.
Sở dĩ tỷ giá trong nước tăng vọt là do những diễn biến mới trên thị trường ngoại hối quốc tế. Cụ thể, ngày 30/5, Trung Quốc tiếp tục phá giá nhân dân tệ thêm 0,45%, xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Trước đó vài ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khẳng định: “Việc nâng lãi suất trong những tháng tới sẽ là một động thái hợp lý”.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, dù rất thận trọng, nhưng khả năng tăng lãi suất của Fed trong những tháng tới là rất cao. Và dù Fed chọn kịch bản nào, thì các chuyên gia vẫn đánh giá, USD sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. Trung tâm Nghiên cứu Ngân hàng BIDV cũng nhận định, Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 này.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, trước mắt, tỷ giá nhích lên chủ yếu là do tâm lý, cộng với sự mạnh lên của USD trên thế giới, còn nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp không có gì bất thường. Dù vậy, vị lãnh đạo này cũng cho rằng, từ quý III/2016 trở đi, khi cầu ngoại tệ tăng lên, cùng với tác động từ phá giá nhân dân tệ, từ Fed, khả năng NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá mạnh hơn.
Cần linh hoạt hơn với tỷ giá
So với phiên đóng cửa cuối năm ngoái, tỷ giá trung tâm tính đến đầu tuần này chỉ tăng 37 đồng, nghĩa là gần nửa năm qua, VND về cơ bản vẫn ổn định, chỉ mất giá hơn 0,1%. Cơ chế điều hành tỷ giá mới cộng với cung USD tương đối dồi dào là lý do khiến tỷ giá không biến động mạnh. Tuy nhiên, ổn định tỷ giá chưa hẳn là tốt.
“Nếu tỷ giá vẫn ổn định, ta có cảm giác hài lòng về điều hành, song thực tế, VND vẫn đang tăng giá vì nhiều nước đang phá giá đồng nội tệ, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ cảm thấy bị từ từ chèn ép về thị trường, giá cả so với các nước hạ giá đồng nội tệ. Nếu không thức thời, chúng ta sẽ lại gặp bất lợi như năm 2015. Tôi cho rằng, NHNN sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, để cho VND yếu hơn nữa, không chỉ neo chặt với USD, mà còn phù hợp trong mối quan hệ tương quan với các đồng tiền khác”, TS. Nguyễn Đức Thành khuyến cáo.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, tỷ giá cần được điều chỉnh linh hoạt hơn, NHNN có thể xem xét điều chỉnh một số chính sách ngoại hối, như lãi suất huy động USD, dự trữ bắt buộc, trạng thái ngoại hối…
Đơn cử, với lãi suất huy động USD, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chống đô la hóa là rất cần thiết, song ở thời điểm hiện nay, động thái này là khá vội vàng. Hiện nay, Chính phủ, doanh nghiệp và cả các ngân hàng vẫn phải vay nước ngoài hàng tỷ USD với lãi suất cao, trong khi trả lãi suất 0%/năm để huy động USD trong nước là thiệt thòi cho người gửi tiền, đồng thời sẽ làm chảy máu ngoại tệ.
Việc các ngân hàng gửi tới 7,3 tỷ USD ra nước ngoài chỉ trong quý III/2015 là một tín hiệu cảnh báo. Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, NHNN nên xem xét nâng lãi suất huy động lên mức 0,2-0,25%/năm, thay vì mức 0%/năm hiện nay.
Đối với quyết định mở lại tín dụng ngoại tệ của NHNN đối với doanh nghiệp xuất khẩu, bên cạnh mặt tích cực là hỗ trợ cho doanh nghiệp, thì tỷ giá sẽ chịu thêm áp lực. Các chuyên gia nghiên cứu của BDIV kiến nghị, đi đôi với hạn tín dụng ngoại tệ, NHNN cần phát triển thị trường mua bán ngoại tệ đáp ứng nhu cầu thanh toán ngoại tệ cho người dân và doanh nghiệp.