Theo đà thế giới, giá vàng trong nước tăng 150 nghìn đồng/lượng

Giá vàng trong nước sáng 21/4 tăng theo giá vàng thế giới.
Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới. Ảnh minh họa: TTXVN
Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới. Ảnh minh họa: TTXVN

Giá vàng trong nước sáng 21/4 tăng theo giá vàng thế giới.

Theo đó, lúc 9 giờ 25 phút, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 47,4 - 48,07 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với cuối ngày hôm qua, mức giá này được điều chỉnh tăng 150 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra. 

Tại Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý, giá vàng SJC cũng được điều chỉnh tăng 150 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra, niêm yết giá mua và bán tương ứng ở mức 47,5 - 48 triệu đồng/lượng. 

Trong khi đó, giá vàng SJC tại Tập đoàn DOJI vẫn được giữ nguyên so với cuối ngày hôm qua, niêm yết ở mức 47,45 - 48 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). 

Trong phiên ngày 20/4, giá vàng thế giới đã tăng đến 1%, khi sự sụt giảm của giá dầu thô Mỹ xuống mức thấp kỷ lục đã khiến các tài sản rủi ro “thất thế” và đưa giới đầu tư tìm đến sự an toàn từ vàng.

Vào lúc 23 giờ 10 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.692,26 USD/ounce, sau khi có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 9/4 là 1.670,55 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn cũng tăng 0,7% và khép phiên ở mức 1.711,20 USD/ounce.

Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty OANDA, cho rằng giá vàng đang gia tăng trước những dự đoán rằng các biện pháp kích thích tiền tệ chưa từng có trên toàn cầu sẽ chỉ gia tăng và sau khi dự báo biến động mang tính lịch sử trong ngành dầu mỏ cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu còn lâu mới có thể phục hồi trở lại bình thường. 

Giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ đã giảm xuống dưới 0 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử và chốt phiên ở mức âm 37,63 USD/thùng. Tình trạng dôi dư nguồn cung đang tiếp tục trầm trọng do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần này, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5/2020 trên sàn Nymex của New York mất 55,90 USD (tương đương 306%), xuống còn -37,63 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI đã hết hạn vào cuối phiên ngày 20/4.

Đây là phiên giảm mạnh kỷ lục của giá dầu này kể từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu vào năm 1983, và cũng ghi nhận mức đóng cửa thấp chưa từng thấy, sau khi có thời điểm giữa phiên giảm chỉ còn -40,32 USD/thùng./.

Chuyên đề