Thế giới có thể tránh được suy thoái nhờ các nền kinh tế lớn nhất châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm hơn trong năm tới và phụ thuộc nhiều vào các nền kinh tế lớn của châu Á.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

OCED dự báo, GDP thế giới sẽ tăng 3,1% trong năm nay và 2,2% trong năm 2023. Dù không cho rằng thế giới sẽ rơi vào suy thoái, nhưng các con số mà tổ chức này đưa ra bi quan hơn so với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tháng trước, IMF dự báo, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay và 2,7% vào năm sau.

OECD cho biết, "triển vọng mong manh" của nền kinh tế toàn cầu là hậu quả trực tiếp của cuộc xung đột Nga - Ukraine, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng và đẩy lạm phát tăng cao trên toàn thế giới.

"Lạm phát dai dẳng, giá năng lượng tăng cao, tăng trưởng thu nhập hộ gia đình yếu ớt, niềm tin tiêu dùng suy giảm và các điều kiện tài chính bị thắt chặt sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, OECD nhận định. Nếu giá năng lượng tăng cao hơn nữa hoặc nguồn cung năng lượng bị gián đoạn, tăng trưởng có thể yếu hơn dự đoán.

Theo OECD, tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm sau sẽ "phụ thuộc rất nhiều" vào các nền kinh tế lớn của châu Á. Dự kiến, các nền kinh tế lớn trong khu vực này sẽ đóng góp 3/4 mức tăng của GDP toàn cầu, còn tăng trưởng của Mỹ và châu Âu sẽ "giảm tốc mạnh".

Ấn Độ được dự báo là nước có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai trên thế giới trong năm 2022, đạt 6,6% - chỉ sau Ả Rập Xê Út. Trong năm 2023, Ấn Độ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 5,7%. Trong khi đó, Trung Quốc được dự báo sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay và 4,6% trong năm 2023.

Ngược lại, OECD dự báo, kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 1,8% trong năm 2022 và sang năm 2023 chỉ còn tăng trưởng ở mức 0,5%. Tăng trưởng của 19 nước thuộc Liên minh châu Âu cũng được dự báo sẽ suy yếu rõ rệt trong năm tới, từ mức 3,3% trong năm 2022 xuống còn 0,5% trong năm 2023.

Ông Matthias Cormann - Tổng thư ký OECD cho biết, một phần nguyên nhân giúp nền kinh tế Mỹ và châu Âu tăng trưởng thay vì giảm tốc là nhờ các khoản trợ cấp và đầu tư khác của chính phủ. Bên cạnh đó, số tiền tiết kiệm mà các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp tích lũy trong giai đoạn đầu của đại dịch cũng góp phần hỗ trợ chi tiêu.

OECD cũng dự đoán lạm phát tại các nước tiên tiến sẽ tiếp tục ở trên mức 9% trong năm nay và sang năm 2023 lạm phát sẽ giảm xuống còn 6,6%, nhưng vẫn cao hơn ước tính của IMF.

Các ngân hàng trung ương lớn vẫn đặt mục tiêu đưa lạm phát xuống gần mức 2% và nỗ lực kiềm chế áp lực giá cả bằng cách tăng lãi suất. Nhưng chiến dịch này cũng làm tăng tác động rủi ro lên nền kinh tế thông qua việc làm tăng gánh nặng trả nợ của hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ.

Theo OECD, tăng lãi suất là điều cần thiết để kìm hãm lạm phát. Tuy nhiên, việc này sẽ khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp đi vay gặp nhiều thách thức tài chính hơn. Các nước thu nhập thấp vẫn sẽ rất dễ bị tổn thương bởi giá năng lượng và thực phẩm ở mức cao. Điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt có nguy cơ làm giảm khả năng thanh toán nợ của nhiều quốc gia.

Chuyên đề