OECD: Các ngân hàng trung ương nên duy trì tăng lãi suất để chống lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết, các ngân hàng trung ương trên thế giới phải tiếp tục tăng lãi suất để chống lại lạm phát tăng cao và lan rộng, ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu chìm vào suy thoái.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo OECD, việc giá cả tăng mạnh tác động tới thu nhập thực tế đang gây tổn hại cho mọi người ở khắp mọi nơi, tạo ra những vấn đề tồi tệ hơn nếu các nhà hoạch định chính sách không hành động.

OECD đã nâng dự báo lạm phát năm 2023 so với dự báo hồi tháng 9 và dự đoán mức tăng giá trong năm sau sẽ vẫn cao hơn nhiều mục tiêu của nhiều ngân hàng trung ương: ở mức 2,6% tại Mỹ, 3,4% tại khu vực đồng Euro và 3,3% tại Anh.

"Ngay lúc này, kiểm soát lạm phát phải là ưu tiên hàng đầu. Nếu không chúng ta có thể rơi vào vòng xoáy giá cả tiền lương giống như những năm 1970, hoặc chúng ta sẽ rơi vào tình trạng lạm phát dai dẳng đến mức nghiêm trọng", Alvaro Santos Pereira, nhà kinh tế trưởng tại OECD nhận xét.

Liều thuốc chính sách được đưa ra vào thời điểm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới đang chậm lại dưới gánh nặng chi phí năng lượng tăng cao do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine. Một rủi ro khác của lãi suất cao hơn là chi phí tín dụng ngày càng tăng, đặc biệt đối với các quốc gia thu nhập thấp. Theo OECD, 2/3 trong số các quốc gia này đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Tuy nhiên, OECD chỉ ra một số dấu hiệu thành công ban đầu trong việc kiềm chế đà tăng giá cho thấy các ngân hàng trung ương nên tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hạn chế. Cụ thể, Brazil là quốc gia bắt đầu tăng lãi suất nhanh chóng và lạm phát đã giảm bớt trong những tháng gần đây. Dữ liệu gần đây cũng chỉ ra một số thành quả trong việc chống lạm phát của Mỹ.

Mặc dù nền kinh tế toàn cầu sẽ bị "giảm tốc độ tăng trưởng đáng kể", song OECD không dự báo về một cuộc suy thoái.

Ông Alvaro Santos Pereira cho biết, khoản tiết kiệm của hộ gia đình từ đại dịch đang hỗ trợ tiêu dùng và hỗ trợ chính sách tài khóa ở châu Âu là "khá đáng kể" so với đánh giá tháng 9 của OECD. Ông cảnh báo, các chính sách hỗ trợ phải được nhắm mục tiêu tốt hơn, nhưng phải đảm bảo rằng các gói hỗ trợ chỉ nhằm mục đích bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương mà không làm tăng thêm lạm phát hoặc tạo gánh nặng quá lớn cho tài chính công.

"Trong cuộc chiến chống lạm phát, điều cần thiết là chính sách tài khóa phải song hành với chính sách tiền tệ. Các lựa chọn tài chính làm tăng thêm áp lực lạm phát sẽ dẫn đến lãi suất chính sách thậm chí còn cao hơn để kiểm soát lạm phát”, ông Alvaro Santos Pereira nhận định.

Chuyên đề