Thấy gì từ việc ngân hàng mạnh tay phát hành trái phiếu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những tháng gần đây, nhiều ngân hàng thương mại đẩy mạnh phát hành trái phiếu. Điều này được lý giải là do các nhà băng cần vốn trung và dài hạn để cho vay, cần vốn để mua lại một phần trái phiếu đã phát hành thời gian trước với lãi suất cao hơn, đồng thời tận dụng thời gian còn lại trước khi quy định mới khắt khe hơn được áp dụng.
Trong tháng 8, các ngân hàng đã huy động gần 8.200 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Minh Dũng
Trong tháng 8, các ngân hàng đã huy động gần 8.200 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Minh Dũng

Công ty Chứng khoán MB (MBS) dẫn số liệu thống kê của Công ty phân tích dữ liệu tài chính FiinPro cho thấy, có khoảng 11.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được huy động với kỳ hạn bình quân 3,3 năm trong tháng 8, trong đó nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 8.200 tỷ đồng.

Trong số các nhà băng phát hành trái phiếu từ đầu năm đến nay, đáng chú ý nhất là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với nhiều đợt phát hành để huy động lượng vốn khá lớn. Riêng trong tháng 8, ngân hàng này có 3 đợt phát hành với tổng giá trị lên đến hơn 2.500 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 8, BIDV công bố đã thực hiện mua lại toàn bộ 500 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn phát hành đợt 3 năm 2018. Trước đó, vào cuối tháng 7, BIDV đã thực hiện mua lại toàn bộ 3.500 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn phát hành đợt 1 năm 2015.

Ngày 10/8, Ngân hàng HSBC Việt Nam phát hành trái phiếu với tổng trị giá 600 tỷ đồng tại Việt Nam.

Việc huy động vốn qua kênh trái phiếu đã được nhiều ngân hàng thực hiện từ đầu năm đến nay. Trong tháng 7, dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, các ngân hàng thương mại đã phát hành hơn 8.134 tỷ đồng trái phiếu, chiếm tỷ trọng lớn nhất (40,79%) trong số các nhóm ngành phát hành TPDN trong tháng.

Theo thống kê của nhóm nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán SSI, trong 6 tháng đầu năm các ngân hàng thương mại phát hành tổng cộng 47,3 nghìn tỷ đồng trị giá trái phiếu.

Theo thống kê của nhóm nghiên cứu thuộc Công ty Chứng khoán SSI, trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại phát hành tổng cộng 47,3 nghìn tỷ đồng trị giá trái phiếu.

Trong nửa đầu năm, BIDV vẫn là ngân hàng phát hành nhiều nhất với 15,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn từ 6 đến 15 năm, đều là những trái phiếu đủ tiêu chuẩn để tính vào vốn cấp 2 và BIDV đều có quyền mua lại trước hạn sau 1 - 5 năm, riêng các trái phiếu 15 năm là sau 10 năm kể từ ngày phát hành. Nếu không thực hiện quyền mua, lãi suất các kỳ sau sẽ bật lên rất cao.

Ngày 28/7 và 29/7, Ngân hàng VPBank phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu.

Phần lớn các ngân hàng cho biết, mục đích phát hành trái phiếu dài hạn nhằm tăng quy mô vốn hoạt động và thực hiện cho vay nền kinh tế, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, quan sát diễn biến trên thị trường tiền tệ và hoạt động phát hành trái phiếu của các ngân hàng thương mại, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định: “Đúng là phần lớn ngân hàng phát hành trái phiếu để huy động vốn trung và dài hạn vì họ đang rất cần để phục vụ nhu cầu cho vay, bảo đảm các chỉ tiêu về vốn theo yêu cầu của cơ quan chức năng”.

Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, trong một số trường hợp ngân hàng vừa phát hành trái phiếu đợt mới vừa mua lại trái phiếu đợt cũ cho thấy họ cũng có nhu cầu cơ cấu lại lãi suất các khoản vay qua kênh này, bởi các đợt phát hành những năm trước có thể chịu mức lãi suất cao hơn.

Mặt khác, Nghị định 81/2020//NĐ-CP về phát hành TPDN (sửa đổi bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP) bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9/2020 với những quy định khắt khe hơn về phát hành riêng lẻ cũng được coi là một lực đẩy khiến các ngân hàng đã có kế hoạch vay vốn qua kênh trái phiếu sẽ thực hiện trước khi kết thúc tháng 8.

Dự báo về xu hướng phát hành trái phiếu của các ngân hàng trong thời gian tới, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, từ tháng 9, có thể các ngân hàng sẽ giảm huy động vốn qua kênh trái phiếu, song mức giảm không lớn bởi vẫn có nhu cầu vốn trung và dài hạn để cho vay và dự phòng cho rủi ro nợ xấu tăng cao.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư