Thấy gì từ kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2020 với mức giảm đáng kể so với năm ngoái, dù hoạt động kinh doanh từ đầu năm đến nay chưa chịu tác động quá lớn.
Ngân hàng MB rất thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu lợi nhuận trước thuế giảm khoảng 10% so với năm trước do tác động của Covid-19
Ngân hàng MB rất thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu lợi nhuận trước thuế giảm khoảng 10% so với năm trước do tác động của Covid-19

Một số chuyên gia dự báo, mức giảm lợi nhuận lớn nhất của các nhà băng sẽ vào 2 quý cuối năm.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 24/6, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Lưu Trung Thái cho biết, 5 tháng đầu năm, doanh thu của Ngân hàng đạt hơn 8.100 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận 5 tháng của ngân hàng mẹ là 3.964 tỷ đồng, tăng 5%. Dù đạt kết quả như vậy, nhưng Ngân hàng rất thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu lợi nhuận trước thuế giảm khoảng 10% so với năm trước do tác động của Covid-19.

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, đầu năm nay, nhà băng này đặt mục tiêu tăng trưởng rất tham vọng với mức lợi nhuận trước thuế đạt 13.500 - 14.000 tỷ đồng, tăng 29% so với năm trước. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra buộc Ngân hàng phải điều chỉnh kế hoạch với lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt khoảng 10.214 tỷ đồng, giảm 1,1% so với năm 2019.

Trong khi đó, tính đến cuối tháng 5, lợi nhuận trước thuế của VPBank đã vượt 5.100 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch cả năm và dự kiến sẽ đạt 6.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2020.

Dù không đặt kế hoạch lợi nhuận giảm như 2 ngân hàng trên, nhưng Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng chỉ thận trọng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 1% so với năm trước, thay vì mức tăng trưởng hai chữ số đã đạt được từ năm 2013 tới nay.

Với các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước chi phối, dù chưa đưa ra những con số chính thức về kế hoạch lợi nhuận năm nay song dự báo không mấy khả quan, do các ngân hàng này được coi là “chủ lực” trong việc thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: "Lợi nhuận của tất cả các ngân hàng có vốn nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp".

Số liệu tổng hợp của Công ty dữ liệu Fiin Group từ 12/18 ngân hàng niêm yết, chiếm 91,8% vốn hóa toàn ngành cũng cho thấy xu hướng giảm lợi nhuận diễn ra phổ biến. Theo đó, dự kiến lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng sẽ giảm khoảng 11,9% trong năm 2020. Nhóm phân tích của công ty này cho biết, việc các ngân hàng đặt chỉ tiêu lợi nhuận thấp là do tác động của dịch Covid-19 và định hướng chính sách của NHNN về việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, xu hướng giảm lợi nhuận của ngân hàng là tất yếu và mức giảm mạnh nhất sẽ rơi vào quý III năm nay. Tính trong cả năm 2020, thu nhập của các ngân hàng thương mại có thể giảm khoảng 30.000 - 34.000 tỷ đồng, tương đương 26 - 30% tổng lợi nhuận năm 2019, hay giảm 20 - 23% thu nhập so với kế hoạch kinh doanh ban đầu.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng, dù Việt Nam kiểm soát dịch bệnh rất tốt song tình trạng vẫn chưa khả quan ở các nước khác khiến triển vọng hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng từ nay đến cuối năm là ẩn số khó đoán. Trong trường hợp kiểm soát dịch bệnh không tích cực, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng sẽ xấu đi rõ rệt trong quý III và quý IV năm nay.

“Thực tế, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn trông cậy nhiều vào tăng trưởng tín dụng, nhưng tăng trưởng từ đầu năm đến nay khá thấp và dự báo khó có thể vượt qua mức 10% cho cả năm nay. Ngân hàng không thiếu tiền nhưng ngại ngần cho vay do sợ rủi ro. Đáng chú ý, nguồn vốn cho vay của các ngân hàng được huy động từ năm ngoái với lãi suất khá cao khiến chi phí vốn lớn, đồng thời rủi ro nợ xấu làm tăng chi phí dự phòng là những yếu tố làm hao hụt lợi nhuận của các ngân hàng và nhiều khả năng sẽ có ngân hàng báo lỗ trong năm nay”, ông Hiếu bình luận.

Chuyên đề