Tháo gỡ vướng mắc về định mức, đơn giá xây dựng: Chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi!

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo rà soát sơ bộ một số doanh nghiệp (DN) thuộc Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, hiện có hàng trăm công việc liên quan tới hoạt động xây dựng cần xây dựng định mức mới hoặc sửa đổi, bổ sung các định mức, đơn giá không hợp lý, không phù hợp với thực tiễn. Cục Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho biết, sẽ thu thập số liệu, khảo sát thực tiễn DN, từ đó đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng định mức, đơn giá năm 2023.
Các định mức được doanh nghiệp đề xuất xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực giao thông. Ảnh: Nhã Chi
Các định mức được doanh nghiệp đề xuất xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực giao thông. Ảnh: Nhã Chi

Định mức, đơn giá không cập nhật theo thị trường, trong khi biến động giá cả vật liệu quá lớn là một trong những khó khăn nổi cộm của tất cả các DN xây dựng thời gian qua. Theo tổng hợp sơ bộ số liệu của các nhà thầu thuộc Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, hiện có khoảng 60 loại công việc liên quan tới hoạt động xây dựng cần xây dựng định mức mới và trên 80 định mức, đơn giá không hợp lý cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Theo Công ty CP Tập đoàn CIENCO4, nhiều định mức, đơn giá có bất cập so với thực tiễn. Đơn cử, có định mức đã được xây dựng từ trước hoặc đã được chấp thuận áp dụng tại một số dự án, nhưng đến nay theo Thông tư số 12/2021/TT-BXD thì không được áp dụng hoặc không có trong các định mức được ban hành. Ví dụ như định mức công tác lắp đặt neo SN, IBO trong hầm, đắp nền đường bằng đá hỗn hợp, sản xuất đá dăm từ đá tận dụng trong công tác đào hầm, công tác đào hầm ngang trong đất chưa được ban hành chính thức. Ngoài ra, định mức chưa cập nhật theo công nghệ mới, thiếu các hệ số an toàn, thiếu định mức công tác bảo dưỡng, bảo trì đà giáo, thiết bị dẫn đến khi thi công, nhà thầu phải tự bỏ chi phí để bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị.

Đơn giá nhân công cũng được DN trên phản ánh chưa phù hợp với tình hình thực tế. Theo quy định tại Thông tư số 13/2021/TT-BXD, chi phí nhân công chỉ từ 172.000 - 336.000 đồng/ca, tuy nhiên thực tế nhân công nhà thầu đi thuê tối thiểu là 350.000 - 500.000 đồng/ca. Với những hạng mục thi công cầu trên cao, nguy hiểm, chi phí phải trả nhân công gấp nhiều lần đơn giá quy định. Chưa kể đến đặc thù vùng miền khi ở khu vực phía Nam, DN phải đưa nhân công từ miền Bắc, miền Trung vào làm vì chi phí thuê nhân lực ở khu vực miền Nam cao, rất khó tuyển dụng. Ngoài ra, nhân lực làm đường hiện bị cắt giảm các loại phụ cấp so với trước kia cũng là vấn đề bất cập hiện nay.

Định mức xây dựng đã được Bộ Xây dựng công bố tại Thông tư 12/2021/TT-BXD, tuy nhiên Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương cho biết, vẫn còn rất nhiều công tác chưa có trong hệ thống định mức đã ban hành. Đơn cử, định mức mới không có công tác đóng cọc ván thép bằng máy đóng cọc mà chỉ có công tác ép cọc cừ ván thép Larsen IV bằng búa rung thủy lực, dẫn đến một số công tác như: đóng cọc ván dưới nước… không thực hiện được. Công tác nhổ ống vách cọc khoan nhồi D1100, D1300, D1500 chưa có trong định mức. Dự toán hiện tại tính theo công tác nhổ cọc thép hình, thép ống các loại mà không phân biệt đường kính, chủng loại cọc. Trong khi với mỗi loại cọc có mức hao phí khác nhau…

Ngoài ra, còn rất nhiều công tác chưa có trong hệ thống định mức đã ban hành như: công tác thi công lắp đặt cáp treo cầu dây văng, cầu dây võng, công tác gia công, lắp dựng vòm cầu thép, thi công trụ tháp cầu, công tác lắp đặt cốt thép cọc khoan nhồi sử dụng cóc nối, công tác khoan tạo lỗ cọc khoan nhồi qua hang Carst sử dụng công nghệ Casing…

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam thông tin, thời gian qua, nhiều DN xây dựng có kiến nghị gửi tới Hiệp hội đề nghị tập hợp, đề xuất Bộ Xây dựng bổ sung nhiều định mức mới, sửa đổi định mức không còn phù hợp, các định mức chi phí (quản lý dự án, thu nhập chịu thuế tính trước…), đơn giá (nhân công, máy thi công), định mức hao hụt, quy đổi. Các định mức được DN đề xuất xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung nằm rải rác trong nhiều lĩnh vực, tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực giao thông - lĩnh vực liên tục có nhiều đổi mới trong công nghệ, biện pháp thi công…

Sau khi lấy ý kiến lần 1 với một số DN xây dựng, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã có buổi làm việc với Cục Kinh tế xây dựng và Viện Kinh tế xây dựng để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc về định mức, đơn giá chưa có trong hệ thống định mức của Nhà nước và các định mức, đơn giá đã ban hành nhưng không hợp lý. Tại buổi làm việc, đại diện Cục Kinh tế xây dựng đã ghi nhận phản ánh của DN thuộc Hiệp hội, giao Viện Kinh tế xây dựng rà soát, phối hợp với DN tập hợp số liệu, khảo sát thực tế để xây dựng các định mức phù hợp.

Chuyên đề