Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đơn giá, định mức cần phải ở tất cả các khâu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chi phí đơn giá gồm đơn giá trực tiếp và đơn giá khấu hao. Trong đơn giá trực tiếp, giá nhân công cho 1 m3 khối bê tông hoàn thiện được tính từ 600 - 650 nghìn đồng/m3, nhưng thực tế giá thuê khoán 1 m3 bê tông là từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/m3. Như vậy, chỉ tính riêng đơn giá nhân công, nhà thầu đã phải bù lỗ gần một nửa.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Định An

Về khấu hao vật tư, ca máy, đơn giá ca máy được lập quá lâu mà chưa cập nhật các đơn giá ca máy đặc chủng của ngành nghề giao thông. Một trạm trộn bê tông nhựa Nikko của Nhật Bản có giá thành lên tới 30 - 40 tỷ đồng; máy rải nhựa là 10 tỷ đồng; hệ thống máy cọc, khoan nhồi cũng 20 tỷ đồng… Như vậy, với khấu hao tính trong đơn giá ca máy, nếu công việc không liên tục, làm việc không tập trung thì thời gian vận chuyển đi về, khấu hao như hiện tại sẽ không đáp ứng được. Nhà thầu nếu làm xong phải bán ngay, chứ càng giữ lại máy càng lỗ.

Trong khi đó, có những thiết bị không còn phù hợp với công nghệ xây dựng hiện nay, nhưng vẫn đưa đơn giá, định mức vào trong ngành xây dựng, giao thông để áp dụng.

Ở bước khảo sát, lập báo cáo khả thi, việc đưa ra đơn giá, định mức cần tính toán kỹ lưỡng. Tuy nhiên, khi thực hiện, việc tính toán đơn giá, định mức chưa được làm kỹ, trong khi tổng mức đầu tư được “chốt” tại bước này. Rồi tới khâu thiết kế kỹ thuật, thi công thì lại bị trói bởi “đường bao” là tổng mức đầu tư. Đây chính là nguyên nhân và hệ quả của vấn đề đơn giá, định mức thời gian qua.

Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đơn giá, định mức cần phải được thực hiện ở tất cả các khâu. Nếu thông tư về đơn giá, định mức tốt rồi, nhưng khâu khảo sát, lập báo cáo khả thi, thiết kế kỹ thuật, thi công không khả thi về khối lượng vật liệu có thể cung cấp, về chi tiết hóa của biện pháp, công nghệ thi công… sẽ dẫn tới công tác áp đơn giá, định mức sai, không phù hợp…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư