Tháo điểm nghẽn cơ chế, hiện đại hóa hạ tầng giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 28/11/2023, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ (Nghị quyết). Việc áp dụng 5 nhóm chính sách thí điểm theo Nghị quyết được đánh giá là rất cần thiết để tháo gỡ những nút thắt và tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những nút thắt và tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng. Ảnh: Tường Lâm
Nhóm cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những nút thắt và tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng. Ảnh: Tường Lâm

Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và một số đại biểu Quốc hội xung quanh nghị quyết này.

Khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công vào lĩnh vực giao thông đường bộ

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã đẩy mạnh việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đến nay đã đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình trọng điểm, hiện đại như các tuyến cao tốc: Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái, La Sơn - Túy Loan, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, các cầu lớn như Tân Vũ - Lạch Huyện, Bạch Đằng, Nhật Tân, Cao Lãnh, Vàm Cống... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật về đầu tư công trình giao thông đường bộ đã bộc lộ, phát sinh một số vấn đề cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, nhằm khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công vào lĩnh vực giao thông đường bộ, là một trong những lĩnh vực hạ tầng quan trọng quốc gia.

Các cơ quan, địa phương đề xuất sửa đổi một số quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cụ thể: (i) tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong các dự án PPP đang được quy định không vượt quá 50% tổng mức đầu tư; (ii) giao thẩm quyền cho địa phương được đầu tư, nâng cấp mở rộng các dự án đường quốc lộ, cao tốc thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải; (iii) giao cho một địa phương làm cơ quan chủ quản đối với các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, trong đó có việc sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ địa phương khác đầu tư cùng một dự án; (iv) không thực hiện thủ tục cấp phép mỏ mới làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định của Luật Khoáng sản để đáp ứng tiến độ triển khai các dự án giao thông đường bộ; (v) phát sinh về đối tượng, thủ tục đầu tư, giao kế hoạch, giải ngân cho các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các dự án giao thông đường bộ.

Về cơ sở chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 được Đại hội Đảng XIII thông qua đã xác định cần đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương cũng đã yêu cầu lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội. Các nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của 6 vùng trên cả nước đã đề ra các giải pháp cho phép địa phương được sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho các dự án vùng, liên vùng; phân cấp, phân quyền cho địa phương đầu tư kết cấu hạ tầng do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là theo phương thức PPP. Đồng thời, Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với thực tiễn...

Như vậy, Đảng đã nêu rõ quan điểm, phương hướng, giải pháp cụ thể đối với những vấn đề về huy động nguồn lực, phân cấp, liên kết vùng, tạo cơ sở chính trị cần thiết cho các cơ quan tổ chức thực hiện.

Cơ chế đặc thù cho phép sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện dự án là hết sức cần thiết

Đại biểu Hà Sỹ Huân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, trong thực tiễn xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại các địa phương đã phát sinh nhiều nhiệm vụ, chưa có căn cứ pháp lý phù hợp, gây khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ dự án.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương đang gặp một số khó khăn cần được áp dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành.

Ví dụ, khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác và không được dùng ngân sách của địa phương này để chi cho nhiệm vụ của địa phương khác. Chẳng hạn, với Dự án Xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang, tỉnh Bắc Kạn không thể bố trí nguồn ngân sách địa phương để thực hiện. Tỉnh Tuyên Quang cũng không thể bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án do tỉnh Bắc Kạn là tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, việc áp dụng cơ chế đặc thù cho phép HĐND cấp tỉnh thống nhất sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện dự án là hết sức cần thiết.

Đây là cơ chế linh hoạt để Bắc Kạn và Tuyên Quang có cơ sở thống nhất để bố trí nguồn vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đoạn tuyến thuộc địa phận tỉnh Tuyên Quang, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án, bảo đảm việc giải ngân nguồn vốn đã được Chính phủ giao theo tiến độ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện liên kết vùng giữa 3 tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang và đồng bộ cấp đường theo toàn tuyến.

Về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, thực tế các mỏ vật liệu đang khai thác tại địa phương thường có công suất khai thác thấp, phân tán, không tập trung. Nhiều dự án đi qua không có mỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu xây dựng cho thực hiện dự án nên phải mở mỏ mới để khai thác. Trong khi đó, trình tự thủ tục cấp mỏ mới theo quy định của Luật Khoáng sản mất rất nhiều thời gian. Do đó, áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Nghị quyết của Quốc hội thể hiện sự năng động, linh hoạt, đồng hành của Quốc hội và Chính phủ trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long

Tốc độ phát triển kinh tế luôn gắn liền với việc phát triển hạ tầng giao thông. Một hệ thống hạ tầng giao thông tốt xuyên suốt sẽ có tác động lớn đến các vùng kinh tế, giảm sự chênh lệch và nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các vùng miền, mở rộng thị trường lao động và giao thương hàng hóa.

Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại các luật liên quan đến đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ thể hiện sự năng động, linh hoạt, đồng hành của Quốc hội và Chính phủ trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần hoàn thiện thể chế, vừa đẩy nhanh thủ tục để triển khai các dự án giao thông quan trọng.

Đây cũng chính là 2 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về hoàn thiện thể chế và đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đồng thời, thể hiện quan điểm chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Quốc hội và Chính phủ trong tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Chính sách pháp luật phải trực tiếp tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên

Quá trình triển khai thực hiện quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã phát sinh những nội dung chưa phù hợp với bối cảnh và yêu cầu của thực tiễn, cần có những giải pháp tháo gỡ ngay trong khi chờ để từng bước sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan.

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ thể hiện các chính sách pháp luật phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, kịp thời điều chỉnh để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, bất cập.

Trong khi chờ đợi sửa đổi pháp luật, cần thiết phải có Nghị quyết riêng của Quốc hội để thực hiện thí điểm hoặc đưa vào Nghị quyết của kỳ họp để tháo gỡ ngay những vướng mắc, bất cập. Chính sách pháp luật phải phù hợp và xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Chính sách pháp luật không chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước mà phải trực tiếp tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra là đến năm 2045 nước ta trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.

Tháo gỡ những nút thắt trong đầu tư và tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng

Đại biểu Lại Văn Hoàn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

Việc ban hành 5 nhóm cơ chế, chính sách áp dụng thí điểm là rất cần thiết để tiếp tục giải quyết những vướng mắc, tồn tại, tháo gỡ những nút thắt trong đầu tư và tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng; đặc biệt là giải quyết ách tắc về giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đối với chính sách tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hiện có 3 trường hợp cần Nhà nước phải giữ vai trò là nhà đầu tư chính.

Thứ nhất, đối với các dự án hạ tầng giao thông chiến lược. Tổng mức đầu tư rất lớn gồm nhiều hợp phần khác nhau, đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư cơ bản về hạ tầng, đồng thời kêu gọi đầu tư vận hành khai thác theo phương thức PPP. Vì vậy, nguồn lực Nhà nước phải chiếm tỷ trọng cao trong tổng mức đầu tư.

Thứ hai, một số dự án đầu tư ở vùng kinh tế - xã hội chưa phát triển, địa bàn trọng điểm về an ninh, quốc phòng như Tây Bắc, Tây Nguyên đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao, vận hành khai thác khó bảo đảm về phương án tài chính. Trường hợp này cũng cần được quan tâm bố trí tỷ lệ nguồn lực nhà nước cao hơn.

Thứ ba, đối với dự án hạ tầng kết nối liên vùng được đầu tư theo phương thức PPP và được phê duyệt triển khai trước khi Luật PPP có hiệu lực. Trong danh mục các dự án thí điểm có tuyến đường bộ ven biển Thái Bình, đây là tuyến đường quan trọng giúp kết nối các tỉnh Nam Định, Thái Bình, TP. Hải Phòng và các tỉnh ven biển, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương có tuyến đường đi qua.

5 nhóm chính sách theo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2023:

*Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư:

Cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư được vượt quá 50% tổng mức đầu tư đối với 02 dự án.

* Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đối với 07 dự án. Đối với 06 dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm hoàn thiện thủ tục đầu tư trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực.

*Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trong việc giao một Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua các địa phương đối với 14 dự án. Đối với 05 dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao làm cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm hoàn thiện thủ tục đầu tư trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực.

* Nhà thầu thi công trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ 21 dự án. Việc khai thác khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành dự án. Trường hợp không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản thì không phải thực hiện thủ tục lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

* Việc sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 đối với 06 dự án. Đối với Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), phần vốn nhà nước tham gia tăng thêm trong tổng mức đầu tư của Dự án được bố trí bằng nguồn vốn hợp pháp khác.

Chuyên đề