Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB&XH xử lý số tiền sai phạm đã phát hiện. Ảnh: Nhã Chi st |
Sai phạm hơn 24,5 tỷ đồng
Theo TTCP, số tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm toán là 24.508,418 triệu đồng. Cụ thể, thanh tra, kiểm toán giai đoạn 2010 - 2014 phát hiện 12.150,328 triệu đồng (đã xử lý 9.956,499 triệu đồng, còn phải xử lý tiếp là 2.193,829 triệu đồng); TTCP phát hiện 12.358,09 triệu đồng (trong đó số tiền xác định lãng phí, không tiết kiệm là 389,097 triệu đồng; loại khỏi giá trị thanh toán, quyết toán công trình là 11.968,993 triệu đồng).
Qua đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB&XH xử lý số tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm toán còn tồn là 2.193,829 triệu đồng, trong đó đề nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 222,820 triệu đồng và thực hiện xử lý các sai khác số tiền 1.971,010 triệu đồng.
Đồng thời, cơ quan thanh tra cũng kiến nghị việc chỉ đạo chủ đầu tư các dự án có sai phạm xử lý số tiền đã phát hiện gần 12 tỷ đồng, bao gồm: loại khỏi giá trị quyết toán công trình số tiền 9.951,952 triệu đồng và thu hồi từ các đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp nộp về tài khoản của dự án số tiền 2.017,041 triệu đồng.
TTCP cho biết, trách nhiệm về các thiếu sót, vi phạm được phát hiện qua thanh tra trong việc tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản thuộc lãnh đạo Bộ LĐTB&XH và các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ LĐTB&XH thời kỳ từ 2010 - 2014; trách nhiệm về các thiếu sót, sai phạm trong việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nêu trên thuộc chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia thực hiện dự án.
Nhiều sai phạm trong đấu thầu
TTCP còn phát hiện nhiều sai phạm trong phê duyệt kế hoạch đấu thầu. Cụ thể, công tác phê duyệt kế hoạch đấu thầu của Bộ LĐTB&XH còn có dự án không nêu rõ nguồn vốn hoặc phương thức thu xếp vốn để thanh toán cho nhà thầu theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, kế hoạch đấu thầu phê duyệt một số gói thầu sau khi Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 về hợp đồng trong hoạt động xây dựng có hiệu lực thi hành, hình thức hợp đồng nêu “theo đơn giá” là không phù hợp với quy định tại nghị định này.
Chưa hết, TTCP còn cho biết, công tác thẩm định, phê duyệt dự án của Bộ LĐTB&XH còn sai sót, như phê duyệt khi chủ đầu tư chưa hoàn thiện theo ý kiến của cơ quan chuyên môn; phê duyệt tổng mức đầu tư dự án gồm nội dung chi phí nằm trong chi phí đã thực hiện thuộc dự án được duyệt trước đó.
Bộ LĐTB&XH còn phê duyệt dự án giao chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án cho một số chủ đầu tư không có chức năng chuyên môn và không có đủ cán bộ có năng lực quản lý dự án đầu tư xây dựng, không đảm bảo quy định.
Ngoài ra, Chương trình, kế hoạch thanh tra của Bộ LĐTB&XH các năm từ 2010 - 2014 chưa có nội dung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời chưa kịp thời tổ chức thực hiện và chưa có văn bản chỉ đạo ngành LĐTB&XH sơ kết, tổng kết đánh giá về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nói chung và trong đầu tư xây dựng nói riêng.
TTCP khẳng định, để xảy ra các thiếu sót, vi phạm nêu trên, ngoài một số nguyên nhân khách quan còn có một số nguyên nhân chủ quan là công tác chỉ đạo của Bộ LĐTB&XH về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí cho đầu tư xây dựng cơ bản còn chưa đồng bộ, thiếu thanh tra, kiểm tra thường xuyên và không tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kịp thời để chỉ ra các mặt được và những hạn chế, yếu kém để khắc phục. Việc phối hợp thực hiện giữa các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ LĐTB&XH trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chưa chặt chẽ, chưa phát huy được hiệu quả cao; một số chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn chưa chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, năng lực còn hạn chế.
Qua thanh tra, TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB&XH rà soát các dự án đang thi công dở dang, xác định rõ các công trình, dự án thực sự cần thiết phải đầu tư, xây dựng phương án bố trí vốn để hoàn thành trước, tránh lãng phí trong đầu tư.