Thanh, quyết toán dự án BT đường bộ: Tắc đến bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, hiện có 4 hợp đồng BT đường bộ thực hiện theo cơ chế Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư dự án bằng tiền sau khi hoàn thành việc xây dựng, chuyển giao. Tuy nhiên, việc thanh, quyết toán gặp vướng mắc ở cả giai đoạn đầu tư, xây dựng và giai đoạn sau khi công trình đã hoàn thành, rất cần giải pháp gỡ khó cho nhà đầu tư dự án.
Dự án Đầu tư xây dựng công trình nút giao thông khác mức Ngã ba Huế đã khai thác 9 năm nhưng nhà đầu tư vẫn chưa được thanh toán hết tiền . Ảnh: Thành Lân
Dự án Đầu tư xây dựng công trình nút giao thông khác mức Ngã ba Huế đã khai thác 9 năm nhưng nhà đầu tư vẫn chưa được thanh toán hết tiền . Ảnh: Thành Lân

Bộ GTVT cho biết, cơ quan này là cơ quan nhà nước có thẩm quyền 3 hợp đồng dự án, gồm: Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan; Dự án Đầu tư xây dựng Quốc lộ 20 đoạn Km0+000 - Km123+105,17; Dự án Đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km123+105,17 - Km268+000. UBND TP. Đà Nẵng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền Dự án Đầu tư xây dựng nút giao thông khác mức tại nút giao thông Ngã Ba Huế (TP. Đà Nẵng). Hợp đồng 4 dự án BT này đều được ký kết tại thời điểm Nghị định số 108/2009/NĐ-CP; Thông tư số 166/2011/TT-BTC, Nghị định số 112/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Đến nay, 4 dự án trên đã hoàn thành việc đầu tư, xây dựng và đang trong giai đoạn thanh, quyết toán bằng tiền giá trị công trình BT theo hợp đồng dự án đã ký. Theo hợp đồng, việc thanh, quyết toán cho các dự án BT bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ thanh, quyết toán dự án hoàn thành bao gồm các chi phí đầu tư trong tổng mức đầu tư như chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí giải phóng mặt bằng… Giai đoạn 2 sẽ thanh, quyết toán các chi phí phát sinh sau khi công trình hoàn thành như chi phí lãi vay chờ thanh toán, lợi nhuận của nhà đầu tư, các chi phí phát sinh khác (nằm ngoài cơ cấu tổng mức đầu tư dự án)…

Trong quá trình thực hiện thanh, quyết toán cho các dự án BT nói trên, Kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán các chi phí nằm ngoài tổng mức đầu tư dự án do Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP quy định: “Tổng số vốn thanh toán cho nhiệm vụ, dự án không được vượt tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện doanh nghiệp dự án - Công ty TNHH Đầu tư BT La Sơn - Túy Loan cho biết, Dự án được đưa vào hoạt động từ tháng 12/2021. Tổng giá trị thanh toán cho Dự án theo phương án tài chính là 13.778 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.080 tỷ đồng giá trị thanh toán ngoài tổng mức đầu tư của Dự án (gồm 147 tỷ đồng lợi nhuận của nhà đầu tư, 372 tỷ đồng lãi trong thời gian thanh toán, 562 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá toàn bộ khoản vay). Dự án không bị vướng mắc về thanh toán chi phí xây dựng nhưng bị vướng phần chi phí phát sinh và lãi vay. Thời gian qua, doanh nghiệp dự án đã có văn bản phản ánh với Bộ GTVT và đề xuất sớm được các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh, sửa đổi các quy định hiện hành để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư trong hợp đồng BT đã ký kết.

Các dự án BT đường bộ chủ yếu bị vướng mắc do quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP. Ảnh: Trường Trung

Các dự án BT đường bộ chủ yếu bị vướng mắc do quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP. Ảnh: Trường Trung

Cán bộ của Công ty TNHH Ngã Ba Huế Trung Nam, doanh nghiệp dự án đầu tư xây dựng công trình nút giao thông khác mức Ngã ba Huế thì cho biết, Dự án được đưa vào sử dụng từ năm 2015. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế nên đến nay nhà đầu tư dự án vẫn chưa được thanh toán khối lượng công việc đã hoàn thành và tiếp tục “còng lưng” gánh lãi ngân hàng. Nhà đầu tư đã nhiều lần kiến nghị UBND TP. Đà Nẵng, Bộ GTVT, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm có phương án tháo gỡ, tạo điều kiện giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong thủ tục quyết toán dự án cho nhà đầu tư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, chuyên gia về đầu tư cho rằng, hợp đồng BT nói chung và hợp đồng BT đường bộ thực hiện theo cơ chế Nhà nước thanh toán bằng tiền cho nhà đầu tư sau khi hoàn thành việc xây dựng - chuyển giao chủ yếu bị vướng mắc tại Nghị định 99/2021/NĐ-CP với quy định “chi phí đầu tư được quyết toán phải nằm trong giới hạn tổng mức đầu tư được duyệt hoặc được điều chỉnh, bổ sung theo quy định của pháp luật”. Quy định này chỉ phù hợp với việc quyết toán các chi phí trong thời gian xây dựng, còn giai đoạn sau đầu tư hiện vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện. Đây là những tồn tại, bất cập trong các quy định của pháp luật, đòi hỏi các cơ quan chức năng, Chính phủ sớm có giải pháp để tháo gỡ dứt điểm bởi càng để lâu, càng phát sinh nhiều hệ lụy.

Ngày 3/5/2024, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo lãnh đạo Chính phủ về các vướng mắc thực tiễn, quan điểm xử lý của các bộ ngành trong thời gian qua và đề xuất việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PPP, trong đó nội dung sửa đổi, bổ sung bảo đảm nguyên tắc xử lý triệt để các tồn tại vướng mắc tại các dự án BT đường bộ nói riêng và các dự án BT khác trên phạm vi cả nước nói chung.

Chuyên đề