Thận trọng với nới lỏng chính sách tài khoá - tiền tệ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhờ nỗ lực thực hiện các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2020. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, khi những động lực tăng trưởng tích cực được khẳng định, chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng cần được chấm dứt để tránh rủi ro cho nền kinh tế.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm

Theo Báo cáo điểm lại kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2020 mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và trung hạn phụ thuộc nhiều vào tốc độ khôi phục của nền kinh tế trong nước cũng như vào diễn biến của đại dịch trên thế giới. Ngành nông nghiệp dự kiến sẽ phục hồi sau tác động của dịch cúm heo gây ảnh hưởng trong quý I/2020 và những thiệt hại trong mùa bão năm 2020.

Ngành dịch vụ tiếp tục khôi phục nhờ gỡ bỏ hầu hết các biện pháp giãn cách xã hội theo dự báo và sức cầu tăng lên ở tầng lớp trung lưu trong nước. Các biện pháp cấm du khách nước ngoài nhập cảnh sẽ từng bước được gỡ bỏ và ngành du lịch sẽ phục hồi. Các hoạt động chế tạo và chế biến sẽ khởi sắc hơn nữa khi kinh tế Hoa Kỳ và EU hồi phục, trở thành động lực gia tăng nhu cầu với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Quá trình hồi phục còn được tăng cường nhờ các hiệp định khu vực mới được thông qua và sự cộng hưởng giữa các công ty đa quốc gia và doanh nghiệp trong nước.

WB khuyến nghị: “Khi những động lực tăng trưởng tích cực được khẳng định, chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng cần bắt đầu được chấm dứt từ giữa năm 2021”. Điều này nhằm bảo đảm các chính sách đó không làm nền kinh tế phát triển quá nóng. Cơ quan có thẩm quyền dự kiến sẽ quay lại với chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng nhằm cân đối giữa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và quản lý lạm phát.

Khi tăng trưởng kinh tế dần quay lại tốc độ cao hơn nhờ các hoạt động của khu vực tư nhân được đẩy mạnh và kinh tế đối ngoại tiếp tục phát triển, Chính phủ sẽ có khả năng quay lại lộ trình củng cố tình hình tài khóa trong những năm tới.

Để bảo đảm quá trình củng cố tài khóa không ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn, thu nội địa cần được cải thiện thông qua cải cách chính sách và quản lý thu, đồng thời sử dụng nguồn thu hiệu quả để đáp ứng nhu cầu dự kiến tăng lên cho các công trình hạ tầng và dịch vụ xã hội chất lượng cao trong thập kỷ tới. Nâng cao hiệu suất chi tiêu thông qua lập kế hoạch, lựa chọn và triển khai tốt hơn các chương trình đầu tư là cách để tiếp tục hỗ trợ các mục tiêu tài khóa tổng thể của cấp có thẩm quyền.

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) cho rằng, khi kinh tế đã trở về trạng thái bình thường, việc xem xét lại các chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ là cần thiết để tránh rủi ro đối với các cân đối vĩ mô. Tuy nhiên, hiện còn quá nhiều “ẩn số” về vắc xin với Covid-19, trong khi đây lại là yếu tố có tính quyết định với triển vọng phục hồi của các nền kinh tế.

“Do đó, việc giữ mặt bằng lãi suất, duy trì các chính sách gia hạn nợ, hỗ trợ về thuế, phí như hiện nay là cần thiết. Đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt các diễn biến trên thị trường hàng hoá, tiền tệ, bất động sản, xu thế của lạm phát để có thể kịp thời giảm dần các chính sách nới lỏng để vừa đỡ tổn thương cho nguồn lực tài chính quốc gia vừa tránh gây rủi ro với các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế”, ông Minh khuyến nghị.

Đánh giá về kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2020 và dự báo năm 2021, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, việc nới lỏng chính sách tiền tệ có thể tiếp tục trong năm 2021 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình gặp khó khăn kéo dài do đại dịch. Tăng trưởng tín dụng có thể tăng lên 12 - 13% cùng với sự cải thiện của niềm tin kinh doanh và các hoạt động kinh tế.

Về mặt chính sách tài khóa, VDSC cho rằng Chính phủ khó có thể công bố gói hỗ trợ tài khóa bổ sung vào năm 2021. Dự báo, thâm hụt tài khóa sẽ giảm xuống 3,8% GDP vào năm 2021 từ mức 4,2% của năm 2020.

Chuyên đề