Đà tăng trưởng kinh tế có thể bị giảm tốc và tình trạng giá cả hàng hóa leo thang do tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine. Ảnh: Tiên Giang |
Trong báo cáo nghiên cứu mới công bố, Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) nhận định, những diễn biến tại Ukraine có thể làm giảm mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu hơn 1 điểm phần trăm trong năm đầu tiên kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt. Theo OECD, các chính phủ có thể giảm thiểu tác động đối với nền kinh tế bằng hỗ trợ tài khóa có mục tiêu mà không thúc đẩy giá cả tăng quá nhiều.
Về kinh tế Việt Nam, trong báo cáo nghiên cứu vừa được công bố, tổ chức tài chính VinaCapital hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 1 điểm phần trăm so với trước đó, xuống còn 6,5% trong năm 2022 và cản trở đáng chú ý với đà tăng trưởng là giá năng lượng tăng cao.
Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, với đà giảm tốc tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam chắc chắn chịu tác động bất lợi. “Tăng trưởng kinh tế trong quý I năm nay vẫn khả quan nhờ hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi sắc. Tuy nhiên, diễn biến xung đột Nga - Ukraine vẫn rất khó lường, thị trường hàng hóa nguyên vật liệu chưa ổn định, rủi ro từ dịch bệnh vẫn còn. Do đó, phải lường trước những tình huống bất lợi có thể xảy ra để có giải pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt là kiểm soát lạm phát để tránh tác động bất lợi đến kinh tế vĩ mô”, ông Thành nói.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát tại Việt Nam. Theo đó, CPI bình quân cả năm có thể tăng 3,8 - 4,2%; GDP năm 2022 dự kiến tăng trưởng 5,7 - 5,9%. Điều này cho thấy thách thức lớn đối với mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% và kiểm soát lạm phát khoảng 4% năm nay.
Ông Lực kiến nghị, cần theo dõi sát sao diễn biến căng thẳng Nga - Ukraina và động thái, chính sách của phương Tây để có giải pháp ứng phó kịp thời. Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục nỗ lực trong công tác điều hành kinh tế - xã hội theo hướng quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% và kiểm soát lạm phát khoảng 4% trong năm 2022. Đồng thời, tích cực hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính, phối hợp và phản ứng chính sách kịp thời để thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng được cơ hội, thu hút đầu tư, nhất là trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư tiếp tục diễn ra nhanh hơn.
Trong khi đó, báo cáo nghiên cứu vừa được Công ty Chứng khoán VNDirect công bố vẫn duy trì dự báo tăng trưởng GDP cả năm ở mức 7,5%. Dù nhìn nhận khả năng chịu tác động từ bất ổn địa chính trị thế giới, VNDirect kỳ vọng ngành dịch vụ sẽ cải thiện đà phục hồi trong những tháng tới nhờ mở cửa trở lại du lịch, giao thông công cộng, giải trí... và nhu cầu trong nước hồi phục sau khi Chính phủ nới lỏng quy định về giãn cách xã hội, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất công nghiệp được kỳ vọng sẽ tăng tốc hơn nữa nhờ nhiều lao động quay trở lại làm việc sau khi dịch bệnh được kiềm chế, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, các biện pháp thích ứng mới với đại dịch và nhu cầu toàn cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức cao.
Mặt khác, giới chuyên gia đặt niềm tin vào quyết tâm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Ngày 16/3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện số 252/CĐ-TTg gửi các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, ngành, địa phương yêu cầu trong tháng 3/2022, các bộ, cơ quan hoàn thành dứt điểm một số nhiệm vụ, trong đó đáng chú ý là yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.