Thách thức khi mua lại ngân hàng 0 đồng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang khẩn trương xử lý, cơ cấu lại 2 ngân hàng thương mại yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương; tiếp tục xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém còn lại. Mới đây, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) cho biết sắp mua lại một ngân hàng 0 đồng. Bên cạnh ý kiến đồng tình, có quan điểm cho rằng, việc cơ cấu lại theo cách thức “mua lại” cần thực hiện cẩn trọng để đảm bảo hiệu quả.
OceanBank, CBBank và GPBank, 3 ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng, vẫn chưa đứng vững trên thị trường sau gần 7 năm cơ cấu lại. Ảnh: Song Lê
OceanBank, CBBank và GPBank, 3 ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng, vẫn chưa đứng vững trên thị trường sau gần 7 năm cơ cấu lại. Ảnh: Song Lê

Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MBBank cho biết, trong năm nay, MBBank sẽ nhận chuyển giao một ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) yếu kém. Hiện chưa thể tiết lộ thông tin cụ thể về ngân hàng được chuyển giao do thuộc danh mục bí mật nhà nước nhưng quy mô của tổ chức này dưới 10% tổng tài sản của MBBank và lỗ lũy kế không vượt quá 20.000 tỷ đồng.

“MBBank sẽ không phải bỏ một đồng vốn nào để mua ngân hàng yếu kém này mà được chuyển giao bắt buộc từ NHNN. Để cứu ngân hàng không đổ vỡ, họ bắt buộc phải chuyển giao về Nhà nước với giá 0 đồng và thuộc sở hữu Nhà nước” - ông Thái thông tin.

Cũng theo lãnh đạo MBBank, Ngân hàng đã thẩm định trực tiếp đối với ngân hàng bị chuyển giao bắt buộc qua rà soát hồ sơ các khoản vay, khoản nợ, tài sản bảo đảm..., đồng thời thuê tổ chức kiểm toán quốc tế rà soát chất lượng tài sản. Còn phía cơ quan quản lý, NHNN cũng thuê kiểm toán quốc tế xác định giá trị vốn góp.

Về biện pháp tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, ngoài hỗ trợ về quản trị và điều hành, MBBank sẽ cử khoảng 100 - 150 người sang giúp ngân hàng sau khi mua lại. Bên cạnh đó, ngân hàng chuyển giao bắt buộc được vay khoản tín dụng ưu đãi có lãi suất 0% trong thời gian tái cơ cấu. Theo kế hoạch, 50% sẽ được hỗ trợ bởi Nhà nước và phần còn lại sẽ do MBBank tạo ra lợi nhuận. Dự kiến, trong 7 - 9 năm, MBBank sẽ giải quyết được lỗ lũy kế của ngân hàng yếu kém này.

Theo NHNN, dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng liên tục từ năm 2020 đến nay, đến cuối tháng 11 năm ngoái tăng cao ở mức trên 2%. Trường hợp dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chưa được kiểm soát thì nợ xấu tiếp tục tăng cao, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn nợ xấu có thể cao hơn mức 7,5%. Như vậy, nguy cơ nợ xấu gia tăng trở lại do dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mọi hoạt động của nền kinh tế.

Sau khi giải quyết hết lỗ, ngân hàng được mua có thể sẽ sáp nhập với MBBank. Hoặc MBBank có thể bán ngân hàng này bởi đây được coi như một khoản đầu tư.

Được biết ngân hàng mà MBBank sẽ mua lại có tỷ lệ nợ xấu lên tới vài chục phần trăm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng khuyến cáo, cần rút kinh nghiệm từ việc xử lý 3 ngân hàng OceanBank, CBBank và GPBank. Gần 7 năm qua, dù có nhiều chính sách ưu đãi như khoản vay lãi suất 0%, các ngân hàng lớn là VietinBank, Vietcombank hỗ trợ về nhân lực, quản trị… nhưng sức khỏe của 3 nhà băng được mua lại với giá 0 đồng này vẫn rất “hom hem”.

Trong khi đó, TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, ngân hàng là ngành kinh doanh có điều kiện rất đặc biệt. Nếu để ngân hàng nào phá sản thì sẽ ảnh hưởng đến toàn hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nên việc bán ngân hàng yếu kém giá 0 đồng cho một ngân hàng khỏe mạnh, có tiềm lực tài chính và quản trị chuyên nghiệp để xử lý, cơ cấu lại cũng là một cách làm để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền cũng như của toàn xã hội.

Từ góc độ khác, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia lo ngại việc cơ cấu lại ngân hàng yếu kém trong giai đoạn này sẽ khó khăn hơn so với trước đây do việc xử lý nợ xấu 5 năm qua đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Suốt 2 năm vừa qua, đại dịch tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm cho doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất, thậm chí hàng chục nghìn đơn vị phải phá sản, giải thể. Nợ xấu cũng như tiến độ xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng bị chậm lại, tồn đọng kéo dài.

Chuyên đề