Tham nhũng vẫn phổ biến và gia tăng
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thời gian gần đây, việc xét xử một số vụ án tham nhũng lớn đã thể hiện những nỗ lực, quyết tâm của Đảng, Nhà nước để xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư thân thiện, liêm chính và minh bạch hơn.
Năm 2018, Chính phủ đưa ra phương châm hành động 10 chữ “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”. Qua khảo sát ý kiến, doanh nghiệp vẫn cho rằng, trong 10 chữ này, “liêm chính” là khó thực hiện nhất. Điều này phù hợp với kết quả khảo sát và các đánh giá của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tham nhũng hiện vẫn được xem là 1 trong 3 vấn đề khó giải quyết nhất của Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, chuyên gia liêm chính cao cấp, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam để tiếp tục thực hiện cải cách theo hướng tăng cường đổi mới, tăng khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại và tránh bẫy thu nhập trung bình đang tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng nỗ lực thực hiện chính phủ điện tử, cắt giảm thủ tục hành chính nhằm giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, góp phần hiện thực hóa quyết tâm xây dựng một chính phủ liêm chính thông qua tăng cường sự minh bạch và huy động các chủ thể trong nền kinh tế cùng hành động.
Tuy nhiên, công tác chống tham nhũng trong khu vực công của Chính phủ đang gặp nhiều thách thức, khó khăn khi tình hình tham nhũng tại Việt Nam vẫn còn khá phổ biến và có phần gia tăng. Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam, tỷ lệ các công ty trả khoản phí không chính thức tăng từ 50% vào năm 2013 lên 64% năm 2014, 66% năm 2015 và năm 2016. Kết quả điều tra của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2017 cũng cho thấy, rủi ro tham nhũng cao ở Việt Nam đặt ra những thách thức lớn đối với các công ty đa quốc gia. Còn một nghiên cứu khác của Trung tâm Nghiên cứu Quản trị xã hội cũng cho biết, sự tin tưởng của các công ty vào khả năng phát hiện và xử phạt tham nhũng tại Việt Nam rất hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp tham gia tiểu Dự án Hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ và vừa phòng ngừa tham nhũng năm 2016 - 2017 của VCCI cho rằng, tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng, phá hoại môi trường kinh doanh.
Phải biến nhận thức thành hành động
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, hiện tại, Việt Nam đứng thứ 68/190 nền kinh tế được đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới và đứng thứ 55/137 trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Như vậy, Việt Nam được đánh giá xếp hạng khá cao so với những nước có nền kinh tế thu nhập trung bình và có xu hướng tăng lên theo thời gian. Tuy nhiên, số liệu thành phần cho thấy, tham nhũng đang là nguyên nhân kìm nén sự phát triển kinh tế của Việt Nam so với các nước Đông Nam Á khác. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 81 về đạo đức và tham nhũng, xếp thứ 109 về các khoản chi không chính thức và hối lộ trong tổng số 137 nền kinh tế được đánh giá, và tham nhũng được coi là vấn đề gây khó khăn thứ 3 trong kinh doanh ở Việt Nam. Trong chỉ số nhận thức tham nhũng 2017 của Tổ chức Minh bạch quốc tế, Việt Nam đứng thứ 107 trong tổng số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia nhất trí rằng, các khoản chi “bôi trơn”, “tặng quà hơn mức thông thường”, các ưu đãi trong ký hợp đồng, các khoản ưu đãi khác và mâu thuẫn lợi ích xảy ra khá phổ biến ở Việt Nam. Tình trạng này tác động tiêu cực tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, làm tăng chi phí hoạt động kinh doanh, làm nản lòng các doanh nghiệp kinh doanh lấy liêm chính là nền tảng phát triển trong dài hạn.
Các chuyên gia khuyến nghị, để nâng thứ hạng của Việt Nam trên các chỉ số toàn cầu, Chính phủ cần ưu tiên công tác chống tham nhũng hơn nữa. Về phía doanh nghiệp, cần tăng cường thể chế hóa và thực thi các quy định trong nước, quốc tế về chống tham nhũng.
Còn theo ông Giles Lever, Đại sứ Anh tại Việt Nam, tham nhũng là vấn đề xuyên quốc gia, là vấn đề chung của quốc tế, tác động tới các doanh nghiệp đa quốc gia, chứ không phải là chuyện riêng tại Việt Nam. Và để tạo cho doanh nghiệp một môi trường kinh doanh lành mạnh, trong sạch hơn, Việt Nam không thể chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp, bộ máy quản lý mà phải biến nhận thức thành những hành động thực sự. Các vụ việc tham nhũng, hối lộ phải được xét xử nghiêm minh để tạo tính răn đe, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.