Gia tăng sức ép cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp

(BĐT) - Hiện nhiều bộ, ngành đang có những động thái khá rõ rệt trong việc bắt tay vào cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD), cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN) để họ yên tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp vẫn “kêu” vì phải gánh nhiều chi phí bất hợp lý. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp vẫn “kêu” vì phải gánh nhiều chi phí bất hợp lý. Ảnh: Lê Tiên

Để những động thái đó sớm thành hiện thực, một số ý kiến đề xuất, Chính phủ cần tiếp tục chọn năm 2018 là năm giảm chi phí cho DN.

Doanh nghiệp vẫn kêu về chi phí

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics ở Việt Nam hiện đang ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới trong Báo cáo Nghiên cứu logistics ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ thực hiện từ tháng 10/2016 - 9/2017, các loại chi phí như nhiên liệu, lệ phí cầu đường, chi phí bốc xếp tại cảng… ở Việt Nam đều ở mức cao. Không chỉ vậy, chi phí không chính thức (làm thủ tục khai báo hải quan được nhanh chóng, chi phí bồi dưỡng vận tải nội địa…) chiếm tới 13,4% cũng là nguyên nhân đẩy chi phí logistics lên cao. “Thực trạng này đã gây ra thiệt hại về chi phí cho cả DN logistics và chủ hàng”, ông Hiệp bức xúc.

Không chỉ DN logistics, thời gian qua, nhiều DN trong các lĩnh vực kinh tế khác như dệt may, thép, phân bón… cũng liên tục “kêu” về vấn đề chi phí kinh doanh. Nhìn từ góc độ chính sách, ông Nguyễn Thâm, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam cho rằng, còn quá nhiều văn bản dưới luật quy định về ĐKKD. Tình trạng một mặt hàng kinh doanh phải chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành đã và đang cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Tại một cuộc tọa đàm vừa diễn ra, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ, quá trình rà soát đã phát hiện rất nhiều ĐKKD có tác động ngược lại, cản trở cạnh tranh, sự sáng tạo và tăng rủi ro cho DN.

Điều này góp phần khiến DN thất bại một cách đau đớn. Không phải do thị trường, không phải do cạnh tranh hay do DN kém thông minh, đơn giản chỉ vì thủ tục hoặc việc giải quyết thủ tục không đúng thời gian. 

Đề xuất giảm nhiều loại chi phí cho DN

Quá trình rà soát đã phát hiện rất nhiều ĐKKD có tác động ngược lại, cản trở cạnh tranh, sự sáng tạo và tăng rủi ro cho DN. Điều này góp phần khiến DN thất bại một cách đau đớn.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận xét, có vẻ như sức nóng từ chương trình cải cách ĐKKD, kiểm tra chuyên ngành sẽ không dừng ở Bộ Công Thương mà đang lan rộng ra nhiều bộ, ngành khác. Cách đây mấy ngày, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện đầu tư, kinh doanh (chiếm 34,2% tronng tổng số 345 ĐKKD hiện có của Bộ), bao gồm điều kiện chung (43); điều kiện năng lực sản xuất (20); điều kiện địa điểm, quy hoạch (12)…

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế cũng đang tiến hành rà soát. Trước đó, Bộ Công Thương đã có tuyên bố sẽ cắt giảm 675 ĐKKD… Tuy nhiên, tất cả những hành động trên vẫn chỉ là “tuyên bố”, thực tế DN còn đang phải chịu rất nhiều những chi phí bất hợp lý.

Để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN, trong đó có vấn đề giảm chi phí cho DN, TS. Nguyễn Đinh Cung, Viện trưởng CIEM đề xuất, Chính phủ cần tiếp tục lấy năm 2018 là năm giảm chi phí cho DN. Cụ thể là giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí hậu cần; giảm chi phí công đoàn, chi phí bảo hiểm xã hội, chi phí trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc.

Đặc biệt, theo ông Cung, Chính phủ cần quyết liệt không tăng lương theo mệnh lệnh hành chính. Nếu tăng thì không quá tốc độ tăng năng suất lao động, mà nên theo phương thức thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mỗi năm DN chịu kiểm tra không quá 1 lần, cùng với đó là thay đổi thái độ và mục tiêu kiểm tra theo hướng hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ DN tuân thủ đúng luật pháp thay vì chủ yếu để xử phạt DN.

Mặt khác, cần tạo áp lực và trách nhiệm đối với các bộ chuyên ngành để cắt giảm ít nhất 1/3 đến ½ số ĐKKD, loại bỏ ít nhất ½ số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành sản xuất; ban hành đầy đủ các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa để DN tuân thủ…

Chuyên đề