Ảnh Internet |
Thủ tục hành chính vẫn là gánh nặng
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả điều tra PCI 2016 cho thấy, chi phí thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cũng đang là một trong những trở ngại gây phiền phức cho DN dân doanh trong nước. Liên tục trong 3 năm qua (2014 - 2016), 35% số DN phải dành trên 10% quỹ thời gian của mình để thực hiện thủ tục hành chính, một tỷ lệ cao kỷ lục trong khảo sát PCI 12 năm qua.
Tương tự, 72% số DN FDI cho biết, sau khi gia nhập thị trường, họ phải mất tới hơn 5% quỹ thời gian trong năm để tìm hiểu và thực hiện các quy định hành chính, đồng nghĩa với việc mất đi lượng thời gian tương ứng để quản lý và phát triển DN. Tỷ lệ này cao đáng kể so với mức thấp lịch sử đạt được trong năm 2010 (56%).
Riêng về thanh, kiểm tra, theo ông Đậu Anh Tuấn, khu vực DN dân doanh trong nước cho rằng, thời gian trung bình cho mỗi cuộc thanh, kiểm tra thuế năm 2016 đã tăng trở lại mức của giai đoạn 2013 - 2014 và 2006 - 2008 là 8 giờ. Ngoài ra, DN phải thực hiện nhiều giấy tờ thủ tục, phải đi lại nhiều lần, hiệu quả làm việc của cán bộ công chức thấp hơn, các thủ tục hành chính trên suốt chặng đường hoạt động của DN dường như chưa bao giờ thôi là gánh nặng. Còn đối với DN FDI, dù số cuộc thanh, kiểm tra mỗi năm tương đối thấp so với tiêu chuẩn quốc tế, song họ vẫn cho biết, gần 5% DN FDI bị thanh, kiểm tra trên 8 lần.
Chi phí không chính thức
Liên quan đến việc tiếp cận các loại tài liệu về kế hoạch (ngân sách, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, các chính sách ưu đãi...) và các tài liệu pháp lý, 66% số DN cho rằng phải nhờ tới “mối quan hệ” để tiếp cận thông tin.
88% số DN FDI cho biết, họ gặp ít nhiều bất lợi khi tham gia đấu thầu các hợp đồng với cơ quan nhà nước, cho thấy “văn hóa chi trả hoa hồng” có thể cản trở việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, dẫn đến chi phí cao hơn và chất lượng kém hơn.
45% số DN FDI thừa nhận đã đưa quà và các chi phí không chính thức trong đợt thanh, kiểm tra trong năm 2016. 8% số DN cho biết bị cán bộ thanh, kiểm tra đòi hỏi đưa quà hay hối lộ, trong khi có tới 44% số DN chủ động đưa biếu. 59% số DN được khảo sát tin rằng hành vi này là phổ biến, “luật bất thành văn” và chủ động đưa quà cáp dù không bị đòi hỏi. Và đa số DN (gần 80%) trả lời mục đích của việc đưa hối lộ là nhằm tạo lập mối quan hệ, coi như “một hợp đồng bảo hiểm” có thể giúp họ giải quyết những vụ việc nảy sinh trong tương lai.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, lãnh đạo Tỉnh có nghe phàn nàn từ người dân và DN về việc phải trả những chi phí không chính thức. Để khắc phục điều này và cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện PCI, thời gian qua, Cà Mau đã đẩy mạnh tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện các công việc của cơ quan hành chính nhà nước, để từ đó giảm dần các chi phí “bôi trơn”, chi phí không chính thức của DN. Kết quả là PCI 2016 của Cà Mau đã tăng 5 bậc so với năm 2015 (từ vị trí thứ 59 năm 2015 lên vị trí thứ 54/63 địa phương (56,36 điểm).
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, chi phí không chính thức, ở quốc gia nào cũng có, chứ không riêng gì Việt Nam, nhưng quan trọng nhất là thái độ phục vụ của các công chức trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Nhiều DN chấp nhận trả chi phí cao hơn, thậm chí là chi phí dịch vụ tăng lên gấp 10 lần, nhưng với điều kiện công việc được giải quyết thuận lợi, công khai. Tuy nhiên, lãnh đạo Thành phố cũng cần nắm rõ, lãnh đạo sáng suốt và giám sát chặt chẽ việc thực hiện thủ tục hành chính để giảm tối đa việc tham nhũng, sách nhiễu đối với người dân, DN.