Tasco nhận được gì từ các dự án BOT?

(BĐT) - Trong lần đăng đàn mới đây, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco (mã chứng khoán HUT) đã có phát ngôn gây sốc khi cho rằng dư luận, báo chí nói về các dự án BOT như tội đồ, khiến các doanh nghiệp không còn hưng phấn đầu tư nữa.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Dũng cho rằng, đây thực ra là lĩnh vực có lợi nhuận thấp, nhưng do “không có việc làm” nên Tasco mới đầu tư BOT. Quan điểm của ông chủ Tasco có vẻ ngược đời khi hàng loạt dự án BOT đã được triển khai rầm rộ trong thời gian qua.

“Vớ bẫm” nhờ BOT

Với những khó khăn mà ông Dũng chia sẻ, có vẻ như các dự án BOT tương đối xương xẩu đối với các chủ đầu tư do tỷ suất lợi nhuận thấp.

Quan sát tình hình kinh doanh 5 năm gần đây (từ năm 2011 đến nay), có thể thấy biến động mạnh mẽ của Tasco về doanh thu và lợi nhuận vào năm 2014. Từ mức vài chục tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm (năm 2011 là 87 tỷ đồng, 2012 là 37 tỷ đồng và 2013 chỉ vỏn vẹn 12 tỷ đồng), đến năm 2014, Tasco lãi ròng 258 tỷ đồng, bằng 25 lần kết quả năm 2013. Đến năm 2015, lợi nhuận của Tasco sụt giảm còn 160 tỷ đồng, tuy nhiên so với những năm trước đây, đó cũng là một kỳ tích.

Được biết, lợi nhuận đột biến năm 2014 có được nhờ việc hoàn thành Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc và bàn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, qua đó ghi nhận lợi nhuận. Đây là dự án BT trong đó Tasco tham gia với vai trò chủ đầu tư. Doanh thu từ hoạt động thu phí BOT trong năm 2014 của Tasco đạt 102 tỷ đồng. Tasco có vẻ đã đi đúng hướng khi tham gia vào các dự án BOT, BT.

Năm 2015, doanh thu từ hoạt động thu phí BOT của Tasco đạt 207 tỷ đồng, gấp đôi kết quả đạt được trong năm 2014. Doanh thu hợp đồng xây dựng giảm gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2014, đạt 1.549 tỷ đồng. Rõ ràng, hoạt động thu phí đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu doanh thu của Tasco. Từ tỷ trọng 3,7% năm 2014 đã tăng lên 9,2% trong năm 2015. Đấy là chưa kể, triển khai các dự án BOT, Tasco cũng như những chủ đầu tư khác gặt hái doanh thu đáng kể từ hoạt động xây lắp.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực hạ tầng cho biết, sở dĩ dự án BOT hấp dẫn các nhà đầu tư là do dòng tiền có được đều đặn trong thời gian dài, gần như bất chấp khủng hoảng kinh tế. Khủng hoảng kinh tế, người ta có thể giảm các khoản chi tiêu, nhưng riêng nhu cầu đi đường thì hầu như không bao giờ giảm. Trong kinh doanh, dòng tiền “tươi” nhiều khi quan trọng hơn cả lợi nhuận. Thực tế cho thấy, có những doanh nghiệp, mặc dù vẫn gặt hái lợi nhuận, nhưng dòng tiền, khả năng thanh toán bị ách tắc, cũng đủ khiến doanh nghiệp đó khốn đốn, giá cổ phiếu lao dốc…

Ngoài ra, với Tasco nói riêng, các chủ đầu tư nói chung, làm chủ đầu tư dự án BOT còn giúp họ thu về doanh thu/lợi nhuận nhờ hoạt động xây lắp như đã phân tích ở trên.

Biến động lợi nhuận và Vốn điều lệ của Tasco 5 năm gần nhất (Đơn vị: tỷ đồng – Riêng vốn điều lệ lấy tại thời điểm hiện tại)

Mở rộng quy mô  nhờ những đợt tăng vốn

Đầu tháng 6/2016, Tasco vừa chào bán thành công 40 triệu cổ phiếu trên tổng sổ 89,9 triệu CP dự kiến phát hành cho cổ đông hiện hữu (giá 10.000 đồng/CP, tỷ lệ phát hành dự kiến 70%). Đáng lưu ý, chỉ 18 triệu CP trong số đó được các cổ đông hiện hữu thực hiện quyền mua, còn lại gần 22 triệu CP được HĐQT phân phối cho các đối tượng khác. Những cá nhân/tổ chức được tái phân phối gần 22 triệu CP không được phía Tasco tiết lộ. Số tiền Tasco thu về hơn 400 tỷ đồng.

Việc phát hành cho cổ đông hiện hữu, sau đó phần lớn được tái phân phối cho các tổ chức/cá nhân khác theo quyết định của HĐQT, từ lâu đã là hình thức tăng vốn khá phổ biến.

Chưa rõ ai là người bỏ ra gần 220 tỷ đồng để gom CP Tasco với mức giá thực ra không quá ưu đãi? 10.000 đồng/CP cũng tương đương, thậm chí cao hơn thị giá lúc bấy giờ của cổ phiếu HUT. Hiện tại, cổ phiếu HUT đang được giao dịch xung quanh mức giá 9.500 đồng, chỉ sau hơn 1 tuần Tasco kết thúc đợt phát hành.

Từ năm 2012 đến nay, từ mức vốn điều lệ 350 tỷ đồng, Tasco đã liên tục phát hành CP dưới nhiều hình thức, tăng vốn điều lệ lên mức 1.684 tỷ đồng. Mỗi năm công ty này tăng vốn từ 300 đến 400 tỷ đồng. Lợi ích kinh tế có được từ các đợt phát hành này là không thể phủ nhận.

Một trong các mục đích mà Tasco đưa ra khi xây dựng phương án phát hành thêm cổ phiếu là để rót vốn đầu tư vào các dự án BOT. Ngoài ra, yêu cầu về vốn chủ sở hữu đối với các dự án BOT cũng là một trong những nguyên nhân Tasco không ngừng tăng vốn. Gom tiền từ các nhà đầu tư, rõ ràng là một trong những lợi ích gián tiếp mà các dự án BOT mang lại cho Tasco.  

Chuyên đề

Kết nối đầu tư