Tạo lực cho kinh tế tư nhân

(BĐT) -  Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa mong chờ sự ra đời của Luật để chính sách ưu đãi sẽ không còn “trên giấy” như trước
Vốn và mặt bằng là yếu tố chính yếu nhất doanh nghiệp nhỏ cần sự hỗ trợ từ Nhà nước. Ảnh: Lê Tiên
Vốn và mặt bằng là yếu tố chính yếu nhất doanh nghiệp nhỏ cần sự hỗ trợ từ Nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

Tại Hội thảo “Hiến kế xây dựng Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 20/1/2016 tại TP.HCM, đại diện các doanh nghiệp đều mạnh dạn khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mong chờ sự ra đời của Luật để chính sách ưu đãi sẽ không còn “trên giấy” như trước.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Đụng đến cái gì cũng bị phạt

Tình trạng luôn vi phạm một lĩnh vực nào đó, luôn đứng ở cửa chờ các đoàn thanh tra, kiểm tra đến để… nộp phạt vì biết mình luôn thiếu, luôn yếu là hình ảnh được ông Nguyễn Văn Bé, Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM đưa ra để dẫn chứng cho hoạt động tự phát, thiếu những chính sách ưu đãi thiết thực cho DNNVV hiện nay. “Nhiều chính sách ưu đãi ban hành theo mệnh lệnh hành chính chứ không phải từ nhu cầu thực của DNNN nên chưa giải quyết được gì nhiều cho cộng đồng này”, ông Nguyễn Văn Bé nhận xét.

Cũng chia sẻ về câu chuyện khó khăn của DNNVV, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, đến từ Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, đại diện cho hơn 200 DNNVV tại địa phương này đưa ra minh chứng cụ thể hơn: “Các DN thành viên của chúng tôi đa số có quy mô chỉ 50 lao động, doanh thu mỗi tháng trên dưới 1 tỷ đồng. Các DN gần như không có đủ khả năng để vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp tập trung. Do đó, DN tận dụng đất ở để mở nhà xưởng, sử dụng lao động là người thân trong gia đình.

Với quy mô nhỏ lẻ, hoạt động thiếu tập trung, không chuyên nghiệp nên gần như lĩnh vực nào của DN như môi trường, an toàn vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy… khi bị thanh, kiểm tra cũng thiếu/không có/không đạt. Các DN đã quen với việc vi phạm, nộp phạt, và mặc định mình “luôn luôn vi phạm pháp luật”. Đây là thực tế đáng buồn, nhưng chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận để thấy DNNVV đang đơn độc, yếu thế, đáng thương như thế nào”, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận, đến thời điểm này mới đặt vấn đề xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV là chậm so với khu vực cũng như thế giới. “Các nước phát triển như Nhật Bản đã có luật này hơn nửa thế kỷ. Còn khu vực Đông Nam Á, từ Thái Lan đến Malaysia, ngay cả Lào đều đã ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV”.

Theo thông tin của VCCI, hơn 97% số lượng DN hiện nay có quy mô vừa và nhỏ. Trong khi đó, số DNNVV chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực DN này góp phần giải quyết cho khoảng 5 triệu lao động. DNNVV là đối tượng bị tác động và tổn thương nhiều nhất khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Minh bạch và bình đẳng đối với mọi DN

Ban soạn thảo Luật Hỗ trợ DNNVV cho biết, quan điểm xây dựng luật này được Bộ KH&ĐT xác định là không phải luật khung, không xây dựng theo khẩu hiệu, mệnh lệnh hành chính. Tất cả phải lấy DNNVV làm trung tâm, coi sự phát triển của DNNVV là động lực.

Theo đó, tinh thần của Luật Hỗ trợ DNNVV là hỗ trợ có chọn lọc, mục tiêu rõ ràng với các đối tượng DN được định lượng cụ thể. Chương trình hỗ trợ sẽ bắt đầu từ khởi sự kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chuỗi liên kết và tạo điều kiện để DN đổi mới công nghệ. Những hỗ trợ về vốn, mặt bằng – hai yếu tố chính yếu nhất của mọi DNNVV sẽ được Ban soạn thảo tập trung lấy ý kiến của cộng đồng DN nhằm đưa ra hướng ưu đãi phù hợp, dễ áp dụng và hài hòa với các quy định liên quan.

Tại Hội thảo, một nội dung quan trọng là tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, của chính cộng đồng DN trong công tác hỗ trợ DNNVV thông qua các chính sách ưu đãi cũng đã được Ban soạn thảo thông tin đến các DN. Theo đó, thực hiện hỗ trợ DNNVV phải đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực của Nhà nước. “Tránh tuyệt đối cơ chế xin cho, để chính sách ưu đãi làm động lực cho mọi DNNVV và là động lực cho toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân phát triển”, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, ông Nguyễn Cương nhấn mạnh.

Tạo lực cho kinh tế tư nhân ảnh 1
Chúng tôi cam kết sẽ lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT

Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ phải xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV, điều này cho thấy vai trò của khu vực DN này là vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế. Bộ KH&ĐT đang ở bước đầu lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Luật, nhưng chúng tôi cam kết sẽ lắng nghe ý kiến, tiếng nói của các DN với tinh thần cầu thị nhất để có thể xác định được những ưu tiên cụ thể, thực tiễn nhằm tăng cường năng lực cho DNNVV.

Tạo lực cho kinh tế tư nhân ảnh 2

Nỗ lực cải cách đang được sự ủng hộ rất lớn của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Bé, Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM

 Xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV là nỗ lực của Bộ KH&ĐT đối với sự phát triển của kinh tế đất nước, sau khi ban hành 2 bộ luật quan trọng với nhiều cải cách là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ nỗ lực cải cách nhằm tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả, minh bạch của chúng ta đang được sự ủng hộ rất lớn của DN.

Tạo lực cho kinh tế tư nhân ảnh 3
Đã đến lúc phải luật hóa các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Chính sách ưu đãi đối với DNNVV đang bị phân tán, manh mún trong hàng trăm quy định được ban hành bởi nhiều bộ, ngành, địa phương. Đã đến lúc cần luật hóa, hệ thống và chuẩn hóa những chính sách ưu đãi này để các chính sách phát huy hiệu quả. Xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng nhằm phát triển kinh tế khu vực tư nhân.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư