Tạo không gian cho kinh tế tư nhân phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp (DN). Để phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, công tác thanh tra, kiểm tra DN cần phải được đổi mới.
Việc đổi mới quản lý nhà nước đối với thanh tra, kiểm tra DN được đề xuất theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm. Ảnh: Nhã Chi
Việc đổi mới quản lý nhà nước đối với thanh tra, kiểm tra DN được đề xuất theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm. Ảnh: Nhã Chi

Còn hạn chế, bất cập

Dự thảo Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện trình Chính phủ chỉ ra, hoạt động thanh tra, kiểm tra DN thời gian qua vẫn còn hạn chế, gây khó khăn cho sự phát triển của khu vực KTTN.

Trước hết, các điều kiện làm cơ sở để chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm còn bất cập liên quan đến nguồn nhân lực, triển khai ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, kinh phí và các quy định pháp lý liên quan đến quy cách, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Hai là, hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) còn nhiều hạn chế. Theo Dự thảo Đề án, đến nay, cải cách các quy định về quản lý, KTCN đạt kết quả bước đầu ở một số bộ như: Y tế, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhưng còn quá ít so với yêu cầu đề ra. Những vướng mắc trong quản lý, KTCN như: danh mục mặt hàng nhiều, quản lý chồng chéo, quản lý không theo nguyên tắc rủi ro, chi phí KTCN lớn… vẫn gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

“Số lượng văn bản điều chỉnh hoạt động quản lý, KTCN nhiều, gây khó khăn cho DN và cơ quan hải quan trong việc theo dõi, cập nhật và áp dụng. Thậm chí, có quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý. Ngoài ra, phạm vi mặt hàng phải KTCN quá rộng, khoảng hơn 78.000 mặt hàng”, Dự thảo Đề án cho biết.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, công tác quản lý, KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã có sự chuyển biến trong thời gian qua, song vẫn chưa đạt mục tiêu của Chính phủ. Năm 2020, công tác quản lý, KTCN đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chững lại, ít chuyển biến, cải cách.

Thời gian thực hiện thủ tục KTCN tuy đã giảm so với trước nhưng vẫn còn dài, dẫn tới nhiều rủi ro cho DN (chi phí lưu kho bãi, phạt hành chính do chậm thông quan, lỡ cơ hội kinh doanh...).

Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố đầu năm nay cũng chỉ ra, còn tình trạng trùng lặp giữa việc thanh tra và kiểm tra DN về nội dung và hệ quả pháp lý của hai hoạt động này. Do đó, tình trạng nhiều cơ quan nhà nước lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu DN vẫn diễn ra.

Hậu kiểm nhưng không lỏng lẻo

Để kiến tạo không gian cho KTTN phát triển, tại Dự thảo Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, một trong những giải pháp trọng tâm là đổi mới quản lý nhà nước đối với công tác thanh tra, kiểm tra. Việc đổi mới theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm, giảm chi phí cho DN.

“Tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là hệ thống văn bản pháp quy về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản quản lý chất lượng của các bộ, ngành để làm cơ sở cho hậu kiểm. Việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm không có nghĩa là lỏng lẻo, dễ dàng trong kiểm định, thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, mà để nâng cao tính tự chủ, gắn ý thức và trách nhiệm của DN, cơ sở sản xuất kinh doanh với quyền lợi của người tiêu dùng”, Dự thảo Đề án nhấn mạnh.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, việc đổi mới quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra DN như vậy là cần thiết, bảo đảm mục đích không gây ảnh hưởng tới hoạt động của DN, tạo không gian phát triển sản xuất kinh doanh một cách thuận lợi nhất.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đánh giá, đây là biện pháp quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm chi phí, tăng cơ hội cho DN trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cùng với giải pháp đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra DN, Dự thảo Đề án cũng nhấn mạnh giải pháp tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, can thiệp vào các vấn đề quản trị nội bộ của DN hoặc quan hệ pháp lý giữa các DN, để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đẩy mạnh vai trò của các thể chế khác nhau ngoài hệ thống tòa án như: trọng tài thương mại, hòa giải thương mại trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế, thương mại, dân sự.

Chuyên đề