Tạo khí thế mới, động lực mới để đạt hiệu quả chính sách cao nhất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chia sẻ về những kết quả đáng khích lệ trong 6 tháng đầu năm, cùng những vấn đề lớn nền kinh tế nước ta phải đối mặt, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mong muốn các nhà báo, cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục phối hợp để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, khí thế, động lực mới để đạt được hiệu quả chính sách cao nhất.
Tòa đàm và Gặp mặt báo chí nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 19/6/2024
Tòa đàm và Gặp mặt báo chí nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024) được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 19/6/2024

Sáng 19/6/2024, Bộ KH&ĐT tổ chức Tọa đàm và Gặp mặt báo chí nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2024). Tọa đàm là dịp để Bộ KH&ĐT chia sẻ thêm về kết quả đạt được, khó khăn, thách thức và các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực mới, trọng tâm ưu tiên.

Theo thông tin tại Tọa đàm, từ đầu năm 2024 đến nay, Bộ KH&ĐT đã theo sát tình hình, kịp thời tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, chính sách điều hành, đóng góp chung vào các kết quả tích cực của nền kinh tế trong các tháng đầu năm.

Trong đó, tăng trưởng tiếp tục được thúc đẩy trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2024 đạt 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%) và là mức tăng trưởng cao nhất ASEAN (Indonesia tăng 5,11%, Malaysia tăng 4,2%, Singapore tăng 2,7%, Thái Lan tăng 1,5%).

Các chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tiêu dùng, du lịch, đầu tư, doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… tích cực hơn qua từng tháng. Xu hướng này tạo cơ sở cho kỳ vọng tốc độ tăng trưởng quý II và 6 tháng đầu năm tiếp tục tích cực, dự báo có thể đạt mức cao theo kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (lần lượt là 6,2% và 6,0%).

Tạo khí thế mới, động lực mới để đạt hiệu quả chính sách cao nhất ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Tọa đàm

Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án đường cao tốc, trọng điểm, liên vùng, hạ tầng năng lượng. Đến nay, cả nước có khoảng 2.000 km đường cao tốc đi vào hoạt động; mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc là có thể đạt được.

Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt nhiều kết quả rõ nét. Quyết tâm cải cách được thúc đẩy mạnh mẽ ở tất cả các cấp, các ngành và các địa phương.

Đặc biệt là, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương sửa đổi, ban hành các văn bản hướng dẫn, trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sớm hơn 5 tháng so với thời điểm có hiệu lực của luật.

Bộ KH&ĐT đã tham mưu Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư công; rà soát tổng thể vướng mắc trong các quy định pháp luật, nhất là về phân cấp, phân quyền để trình Quốc hội xem xét, tháo gỡ.

Tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù cho một số địa phương và các dự án giao thông đường bộ, để trình cấp có thẩm quyền mở rộng áp dụng đối với các chính sách có hiệu quả; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai tại một số địa phương để xem xét, trình cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng tại các địa phương khác.

Việc triển khai hiệu quả các chính sách này kỳ vọng sẽ là bước đột phá về thể chế, khơi thông các điểm nghẽn về nguồn lực cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng năm 2024 và các năm tiếp theo.

Công tác quy hoạch đã cơ bản hoàn thành. Đặc biệt là, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành toàn bộ 6/6 quy hoạch vùng; tổ chức các Hội nghị điều phối vùng, Hội nghị của các địa phương để công bố quy hoạch gắn với xúc tiến đầu tư. Đây là cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển của cả nước, tạo động lực tăng trưởng nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Số vốn FDI thực hiện 5 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước; vốn FDI đăng ký mới đạt hơn 7,9 tỷ USD, tăng 50,8%. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu tiếp tục đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, các ngành công nghiệp chíp, bán dẫn… tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) ngày càng phát huy hiệu quả là cầu nối cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong nước và quốc tế và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên cả nước.

Cuối tháng 5, Bộ KH&ĐT đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đào tạo Phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Các kết quả nêu trên là minh chứng rõ nét, khẳng định quan điểm, mục tiêu phát triển và các giải pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành thời gian qua là rất đúng đắn, kịp thời; tạo tâm thế bản lĩnh, tự tin để triển khai hiệu quả các giải pháp trong thời gian tới.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nổi lên 4 vấn đề lớn: (1) Các động lực tăng trưởng mặc dù đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng khó tạo bước đột phá cho tăng trưởng năm 2024. (2) Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát còn đối mặt với nhiều thách thức, tiềm ẩn rủi ro. (3) Các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… đã phát triển bền vững hơn, nhưng còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ như: tăng trưởng tín dụng; xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng”; tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhất là các dự án lớn; áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp; nâng hạng thị trường chứng khoán… (4) Thiên tai, dịch bệnh, thiếu nước, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, phát triển đô thị, phòng cháy, chữa cháy, tai nạn giao thông… vẫn là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội nước ta.

Bộ KHĐT cho biết, đã và đang theo dõi sát tình hình, chủ động nghiên cứu, kịp thời tham mưu các giải pháp, chính sách để phấn đấu hoàn thành Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024 và đạt cao nhất Kế hoạch 05 năm 2021-2025. Bộ mong muốn các nhà báo, cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục phối hợp để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, khí thế, động lực mới để đạt được hiệu quả chính sách cao nhất.

Chuyên đề