Tạo hành lang pháp lý vững chắc để DN yên tâm phát triển khu công nghiệp xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện quỹ đất để phát triển khu công nghiệp (KCN) tại Đồng Nai đang dần cạn kiệt, do đó, để phát triển thêm các KCN mới là vô cùng khó khăn. Phương án để xuất cấp đất để chuyển đổi thành KCN đang được ưu tiên, tuy nhiên, cũng vẫn khó khăn do quỹ đất sạch rất hiếm.
Ông Lê Văn Danh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai

Ông Lê Văn Danh, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai

Đơn cử như KCN Amata hiện đã lấp đầy 400 ha. Theo kế hoạch phát triển của nhà đầu tư, cả 3 giai đoạn (1 - 2 - 3) của KCN này, địa phương đều không đủ quỹ đất để giao. Trong khi đó, số lượng 32 KCN của địa phương cũng rất khó có phương án mở rộng. Do đó, trong giai đoạn tới, cần tập trung để hướng các nhà đầu tư phát triển KCN theo chiều sâu, giảm phát triển theo chiều rộng.

Cụ thể, Đồng Nai khuyến khích các KCN nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, các KCN cần chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, tránh thâm dụng lao động. Đặc biệt, tính cộng sinh doanh nghiệp trong nội tại KCN phải đặt lên hàng đầu để tuần hoàn các tài nguyên.

Tuy nhiên, để các mục tiêu này đạt được, cần quan tâm nhiều hơn đến cơ chế, chính sách, đặc biệt là cải thiện hành lang pháp lý về môi trường. Chất thải, nước thải, nước tái tạo, năng lượng tái tạo phát sinh trong KCN sẽ được tuần hoàn, tái sử dụng để các doanh nghiệp (DN) hỗ trợ nhau, bổ sung cho nhau, tránh lãng phí, thất thoát.

Hiện nay, năng lực, công nghệ của nhiều DN trong KCN đã biến được chất thải, nước thải thành năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, pháp lý hiện hành lại bắt buộc các thành phần này phải chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý. Đồng thời, quy định về chi phí cho quá trình vận chuyển, tiêu thụ năng lượng tái tạo chưa được xây dựng đầy đủ để tạo niềm tin cho các DN tích cực tham gia.

Chuyên đề