Tăng vốn ngân hàng thương mại nhà nước bằng cổ tức: Có gì đáng ngại?

(BĐT) - Việc giữ lại cổ tức của cổ đông Nhà nước để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước là không phù hợp với quy định hiện hành. Do đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết gỡ khó. Song vẫn có ý kiến e ngại cách làm này sẽ làm chậm quá trình tái cơ cấu các NHTM nhà nước.
Trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước, mới chỉ có Vietcombank được Ngân hàng Nhà nước công nhận đạt chuẩn Basel II. Ảnh: Việt Trần
Trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước, mới chỉ có Vietcombank được Ngân hàng Nhà nước công nhận đạt chuẩn Basel II. Ảnh: Việt Trần

Tình thế cấp bách

Đề xuất tăng vốn nêu trên đã được nêu tại nhiều kỳ họp của Quốc hội song vẫn chưa được thông qua. Trong khi đó, thời hạn đáp ứng vốn theo chuẩn mực của Basel II đang đến rất gần.

Tại “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, mục tiêu mà Chính phủ đề ra cho các ngân hàng cổ phần là đến cuối năm 2020 cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II, trong đó ít nhất 12 - 15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên.

Đến nay, mới có 7 NHTM được NHNN công nhận đạt chuẩn Basel II, trong đó chỉ có duy nhất 1 trong 4 NHTM có vốn nhà nước chi phối là Vietcombank. Khi các ngả đường tìm vốn của 3 ngân hàng còn lại vẫn nhiều khó khăn, trong khi thời hạn không còn dài, đề xuất giữ lại cổ tức để tăng vốn được kỳ vọng sẽ góp phần giảm áp lực cho các ngân hàng trong tình thế cấp bách này.

Tuy nhiên, đề xuất nêu trên không phù hợp với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Điều 48, Khoản 4 của luật này nêu rõ: “Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nộp vào ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận, cổ tức được chia tương ứng với phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty”.

Mới đây, báo cáo của NHNN gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đang diễn ra tiếp tục nhắc lại nội dung này. Đáng chú ý, NHNN kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi hoặc ban hành một nghị quyết mới của Quốc hội theo hướng cho phép sử dụng ngân sách nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM nhà nước (ngoại trừ các NHTM mua bắt buộc).

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV nêu ý kiến: “Nên nhìn nhận việc bổ sung vốn cho NHTM nhà nước từ cổ tức của cổ đông nhà nước không phải là mất đi mà là cách thức nuôi dưỡng nguồn thu. Nên coi cổ đông Nhà nước là một nhà đầu tư chuyên nghiệp trong các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Mặt khác, nhu cầu vốn của các NHTM nhà nước đang vô cùng cấp bách. Bởi lẽ, việc tăng vốn không kịp thời có thể dẫn đến những hệ lụy như: suy yếu khả năng cấp vốn tín dụng cho nền kinh tế trong khi họ đang nắm giữ 40 - 50% thị phần tín dụng; thiếu năng lực để tham gia hội nhập”. 

Lo ngại khó thay đổi mạnh mẽ về quản trị

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cách tăng vốn cho các NHTM nhà nước bằng cổ tức của cổ đông Nhà nước là không hợp lý vì tiếp tục làm chậm quá trình cổ phần hóa và tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng. Thay vào đó, cách tốt nhất là bán bớt cổ phần nhà nước dù không dễ thực hiện ở thời điểm hiện nay.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cách tăng vốn bằng cổ tức như trên là không hợp lý vì tiếp tục làm chậm quá trình cổ phần hóa và tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng. Thay vào đó, cách tốt nhất là bán bớt cổ phần nhà nước dù không dễ thực hiện ở thời điểm hiện nay.

“Nếu cổ đông Nhà nước khư khư nắm giữ tối thiểu 65% cổ phần tại các NHTM nhà nước thì hầu như không cổ đông chiến lược hoặc nhà đầu tư nước ngoài nào mặn mà. Bởi vì, với các nhà đầu tư, việc bỏ vốn mà không nắm quyền chi phối chỉ mang tính chất là đầu tư tài chính. Nếu làm như vậy, có nhiều địa chỉ đầu tư khác hấp dẫn hơn các NHTM nhà nước. Do đó, Chính phủ nên mạnh dạn hạ thấp rào sở hữu của cổ đông Nhà nước xuống mức để các nhà đầu tư chiến lược có thể nắm cổ phần chi phối ít nhất 51% thì mới thu hút được vốn đầu tư”, ông Hiếu nói.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, bên cạnh việc giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước, việc đa dạng hóa cổ đông còn góp phần thay đổi phương thức quản trị và nâng cao hiệu quả hoạt động của các NHTM nhà nước.

“Hoạt động thực tế của các NHTM nhà nước trong những năm qua cho thấy, vẫn còn tình trạng quản lý kém, nợ xấu tăng cao với nguyên nhân chính là cơ chế quản trị chưa hoàn thiện. Nếu tiếp tục bơm vốn nhà nước theo cách thức như trên thì khó lòng thay đổi mạnh mẽ được”, ông Hải nói.

Chuyên đề