Tăng trưởng tín dụng: Tiêu chí gì để được nới?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngay sau thông tin 4 ngân hàng VPBank, HDBank, MBBank và Vietcombank được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, thị trường xuất hiện những thắc mắc về việc tiêu chí nào để được nới và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên xem xét nới chung tín dụng toàn ngành từ 14% lên 16%.
Room tín dụng của từng tổ chức tín dụng được xác định theo năng lực tài chính, quản trị, điều hành... Ảnh: Lê Tiên
Room tín dụng của từng tổ chức tín dụng được xác định theo năng lực tài chính, quản trị, điều hành... Ảnh: Lê Tiên

Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán VNDIRECT, 4 ngân hàng VPBank, HDBank, MBBank và Vietcombank được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng với mức tăng thêm lần lượt 14,3%; 5,1%; 5% và 0,9%. Đây là các ngân hàng đã tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Với việc được nới, tăng trưởng tín dụng cả năm nay của 4 ngân hàng trên dự kiến ở mức 30%; 23,5%; 23,2% và 18,6%. Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) khác có mức tăng trưởng tín dụng dự kiến chỉ nhỉnh hơn 10%, chẳng hạn: 10,2% đối với MSB và SHB; 10,5% đối với Agribank; 10,7% đối với VietinBank và BIDV…

Tính toán của VNDIRECT dựa trên dữ liệu thống kê của 18 NHTM chiếm 80% tín dụng cả hệ thống cho biết, sau đợt điều chỉnh này, mục tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng 14% cả năm nay của NHNN vẫn được duy trì.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý IV/2022 do NHNN thực hiện vừa được công bố, các TCTD kỳ vọng dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng bình quân 4,1% trong quý IV/2022 và tăng 14,9 % trong năm 2022. Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,3% trong quý IV/2022 và tăng 10,2% trong năm 2022.

Bình luận về động thái cấp hạn mức tín dụng mới nhất của NHNN, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu NHNN kiên định hạn mức tăng trưởng tín dụng năm nay 14% thì hầu như không còn NHTM nào có thể được nới room tín dụng từ nay đến cuối năm. Điều này là đáng ngại bởi nhiều ngân hàng vẫn còn nguồn vốn khả dụng nhưng không thể cho vay, ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động kinh doanh.

Mặt khác, việc NHNN không công khai cụ thể chỉ số về năng lực tài chính của từng ngân hàng đáp ứng điều kiện được nới room sẽ gây cảm giác không công bằng trong ứng xử về hạn mức tín dụng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, NHNN nên nới hạn mức tín dụng chung cả năm từ 14% lên khoảng 16% để tạo dư địa về khả năng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế trong những tháng cao điểm kinh doanh từ nay đến cuối năm. Mặt khác, việc phân bổ chỉ tiêu tín dụng cũng cần được công khai cụ thể về mức phân bổ, các tiêu chí đáp ứng của từng ngân hàng.

Đồng quan điểm, TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, việc công bố số liệu cụ thể về các tiêu chí để ngân hàng này được cấp hạn mức cao hơn ngân hàng khác là cần thiết để thị trường rõ cách thức làm việc của cơ quan điều hành.

Từ góc độ khác, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, việc phân bổ hạn mức tín dụng được NHNN đánh giá theo các tiêu chí về hoạt động của từng TCTD, cộng thêm điểm ưu tiên về việc tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Từ hạn mức tín dụng được phân bổ, có thể nhận diện mức xếp hạng tín nhiệm của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ với từng nhà băng.

“Từ tháng 9, nhiều NHTM đã được nới room tín dụng, nguồn lực tín dụng đó được dùng cho những tháng cuối năm nay là phù hợp với bối cảnh thị trường tiền tệ và nền kinh tế hiện nay. Mặt khác, việc không nới đều hạn mức tín dụng với các ngân hàng ở thời điểm hiện nay sẽ khiến những ngân hàng có nguồn lực tín dụng hạn hẹp càng cẩn trọng trong việc phân bổ và chọn lọc khách hàng, nhằm bảo đảm kiểm soát chất lượng tín dụng và tránh nợ xấu”, ông Ánh nói.

Theo vị chuyên gia này, NHNN duy trì hạn mức tăng trưởng tín dụng 14% là hợp lý để kiểm soát dòng tiền từ hệ thống ngân hàng đổ vào nền kinh tế theo các tính toán từ trước. Qua đó, góp phần kiềm chế lạm phát tiềm ẩn và hạn chế dòng vốn đổ vào các thị trường rủi ro.

Liên quan đến thắc mắc cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng, NHNN cho biết, room tín dụng của từng TCTD được xác định theo năng lực tài chính, quản trị, điều hành của từng TCTD. Đồng thời, NHNN thường xuyên nghiên cứu, điều chỉnh, cập nhật để bảo đảm biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng bám sát tình hình thực tiễn, nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống và ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Các tiêu chí chính sách phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được công bố ngay từ đầu năm tại Chỉ thị 01 của Thống đốc NHNN và được kiểm toán NHNN, Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán, đánh giá, thể hiện rõ nguyên tắc công khai, minh bạch. NHNN thực hiện việc thông tin riêng đến từng TCTD về hạn mức này vì việc phân bổ được thực hiện theo xếp loại, không thể công khai ra công chúng, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh giữa các TCTD.

Chuyên đề