9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Lê Tiên |
Dấu hiệu khởi sắc
Thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp cả nước 9 tháng đầu năm 2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nhìn chung, hoạt động sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội và một số tỉnh, thành phía Nam… là các trung tâm sản xuất hàng hóa lớn, nhiều DN trong chuỗi giá trị toàn cầu bị tạm dừng hoạt động khiến sản lượng hàng hóa giảm mạnh, ảnh hưởng lớn tới các chuỗi cung ứng. Người lao động nghỉ việc ảnh hưởng lớn đến việc tuyển dụng lao động trở lại khi sản xuất phục hồi.
Số liệu của Bộ Công Thương ghi nhận, dù có nhiều khó khăn, song 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,45% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (tăng 1,42%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%, đóng góp 1,53 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Tại Bắc Ninh, địa phương từng là điểm nóng về dịch Covid-19, trong 9 tháng, ngành công nghiệp có mức tăng 8,17% và đóng góp cao nhất vào tăng trưởng của Tỉnh, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp 5,78 điểm phần trăm. Trong 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Giang tăng 8,1%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là “đầu kéo” với mức tăng 8,47%...
TP.HCM và các địa phương phía Nam cũng đang từng bước mở cửa kinh tế trở lại, các DN bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Tấn Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thang máy Thiên Nam cho biết, cuối tháng 9/2021, DN đã hoạt động trở lại sau một thời gian tạm ngừng hoạt động để chống dịch… Đại diện Hiệp hội các DN khu công nghiệp TP.HCM cũng cho hay, hiện có gần 60% DN trong các khu chế xuất, khu công nghiệp tại Thành phố hoạt động trở lại.
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp
Tại Chỉ thị về việc phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa được ban hành, Thủ tướng yêu cầu DN phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thống nhất phương án sản xuất, lưu thông hàng hóa, đi lại và ăn ở của người lao động. Phương án phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
UBND các tỉnh, thành phố với trách nhiệm là cơ quan trực tiếp quản lý DN trên địa bàn, khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi sản xuất, phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai kế hoạch, thông qua phương án của DN trên địa bàn, bảo đảm vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa an toàn phòng, chống dịch. Chủ động phối hợp với Bộ Y tế để phân bổ kịp thời vắc xin tiêm phòng cho người lao động tại các DN; xem xét quyết định cho mở lại một số dịch vụ cần thiết để phục vụ đời sống người lao động…
Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn bảo đảm lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh; Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế…
Để phục hồi hoạt động sản xuất dệt may, da giày, hôm nay, Hiệp hội Dệt may và Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam phối hợp tổ chức đối thoại trực tuyến với chủ đề: “Chung sức vì sự phục hồi bền vững của ngành dệt may - da giầy Việt Nam”. Phiên đối thoại có sự tham gia của đại diện một số bộ, ban ngành liên quan, DN, công đoàn và đại diện nhãn hàng nhằm tìm giải pháp tăng tốc sản xuất, kinh doanh, bù đắp cho những tháng vừa qua.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)