Tăng, giảm thuế thép: Cần nhìn nhận toàn diện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 57/2020/NĐ-CP liên quan đến biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép và giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép. Theo một số chuyên gia, đề xuất này cần được tính toán một cách toàn diện từ các yếu tố về cung cầu hàng hoá, năng lực sản xuất của doanh nghiệp và phù hợp với chiến lược tăng trưởng kinh tế.
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép. Ảnh: Hoài Tâm
Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép. Ảnh: Hoài Tâm

Về thuế xuất khẩu phôi thép, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5%. Thực hiện theo phương án này sẽ góp phần ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường và hạn chế xuất khẩu phôi thép để giữ cho sản xuất trong nước, bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn.

Về thuế nhập khẩu MFN (thuế theo cơ chế tối huệ quốc), Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm thuế nhập khẩu MFN đối với thép cốt bê tông thuộc nhóm 72.13, 72.14, 72.15 từ 20% xuống 15%; đối với thép góc, khuôn, hình thuộc nhóm 72.16 và thép có răng khía thuộc nhóm 72.13 từ 15% xuống 10%; nhóm sắt thép không hợp kim cán phẳng thuộc 8 mã hàng của nhóm 72.10 từ mức 20% và 25% xuống 15%.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh này sẽ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đầu tư đổi mới công nghệ để giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm thép nhập khẩu; bình ổn thị trường trong nước, đồng thời thúc đẩy ngành thép phát triển bền vững.

Trước đề xuất điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu này, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có công văn gửi Bộ Tài chính nêu quan điểm là “chưa phù hợp với thực trạng ngành sản xuất thép trong nước hiện nay”.

VSA cho biết, kể từ khi bùng phát đợt dịch từ cuối tháng 4/2021 đến nay, hoạt động xây dựng cơ bản từ công nghiệp đến dân dụng đều ngưng trệ, tiêu thụ thép trong nước giảm mạnh.

Cụ thể, sản lượng bán hàng thép thành phẩm trong nước tháng 6/2021 giảm 20% so với tháng 5/2021 và chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu loại trừ tăng trưởng tiêu thụ thép cuộn cán nóng, sản lượng bán hàng nội địa giảm mạnh lần lượt 28% và 22% so với tháng 5/2021 và cùng kỳ năm 2020. Tính chung 6 tháng năm 2021, sản lượng bán hàng thép thành phẩm trong nước tăng 18%, trong khi xuất khẩu tăng trưởng 66% (loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng HRC). Ngành thép đã phát triển cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, trong đó ưu tiên đáp ứng đủ nhu cầu thị trường thép trong nước.

Theo VSA, xuất khẩu thép hiện tại là hướng mở rộng thị trường để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho lao động. Khoảng 10 năm trở lại đây, xu hướng bảo hộ ngành thép gia tăng trên toàn thế giới ngay cả tại các quốc gia phát triển. Ngành thép Việt Nam đang từng bước phát triển đồng bộ và hiện đại hóa để cải thiện sức cạnh tranh, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu một phần. Việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng thép sẽ làm thép từ bên ngoài tràn vào, đe dọa hoạt động của các doanh nghiệp trong nước vốn đang rất khó khăn.

Hơn nữa, VSA cho rằng, chính sách thuế xuất nhập khẩu nói chung và thuế xuất nhập khẩu thép nói riêng là những chính sách dài hạn, góp phần thúc đẩy ngành sản xuất trong nước, trong đó có ngành thép, phát triển bền vững, chứ không phải là một giải pháp ngắn hạn để xử lý các hiện tượng tăng, giảm nhất thời của thị trường.

Từ góc độ các doanh nghiệp chịu tác động bởi đợt tăng giá thép mạnh trong những tháng đầu năm nay, ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, các doanh nghiệp xây dựng gặp rất nhiều khó khăn, trong khi khảo sát trên thị trường cho thấy nguồn cung không khan hiếm.

VACC đã có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kiểm tra triệt để nguyên nhân khiến giá thép tăng đột biến.

Theo ông Cận, thuế xuất nhập khẩu là một trong những công cụ cần thiết để điều tiết cung cầu hàng hoá, góp phần bình ổn giá cả trên thị trường. Do đó, việc xem xét điều chỉnh thuế xuất khẩu và nhập khẩu thép như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ góp phần ổn định giá cả với mặt hàng này, tạo thuận lợi cho các nhà thầu xây dựng.

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, giảm thuế nhập khẩu thép như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ góp phần giảm giá thép, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng và các doanh nghiệp cơ khí, từ đó làm giảm giá sản phẩm, dịch vụ và hàng hoá. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thép sẽ bị giảm doanh thu và lợi nhuận kỳ vọng nên họ phản đối là lẽ thường. Với cơ quan chức năng, khi giá thép - một nguyên liệu đầu vào quan trọng của hoạt động sản xuất kinh doanh - tăng giá đột biến thì nhiệm vụ của họ là phải tìm cách bình ổn thị trường và thuế là một công cụ thường được sử dụng. Tuy nhiên, việc tăng - giảm thuế là bài toán trung hạn, cần được tính toán một cách toàn diện dựa trên các yếu tố về cung cầu hàng hoá và năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong giai đoạn trước mắt và trung hạn, vì sự phát triển cân đối của các ngành sản xuất và phù hợp với chiến lược tăng trưởng kinh tế.

Chuyên đề