Tận dụng từng cơ hội cho phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Việt Nam đã làm được nhiều điều kỳ diệu trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thì trong phát triển kinh tế sẽ đạt được nhiều điều kỳ diệu hơn nữa với ý chí của con người Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng chia sẻ niềm tin vững chắc vào tương lai của đất nước.
Kết cấu hạ tầng là điều kiện quan trọng, là đường băng cho nền kinh tế tăng tốc, bứt phá trong tương lai. Ảnh: Lê Tiên
Kết cấu hạ tầng là điều kiện quan trọng, là đường băng cho nền kinh tế tăng tốc, bứt phá trong tương lai. Ảnh: Lê Tiên

Giữa muôn trùng khó khăn, niềm tin và khát vọng xây dựng đất nước của mỗi người Việt Nam sẽ dẫn dắt tư duy, thôi thúc hành động để đất nước trỗi dậy, vươn lên trong sân chơi mới đang định hình.

Bước đi dài trong phát triển kinh tế

Tại Lễ khởi động Chương trình “Sức sống Việt Nam” - một chương trình hợp tác giữa Bộ KH&ĐT và Facebook, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, Việt Nam đang sở hữu rất nhiều điều kiện thuận lợi, là thành quả của 35 năm đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. “Việt Nam hiện đang có một nền chính trị ổn định, một nền kinh tế phát triển ổn định, một xã hội ổn định. Việt Nam cũng đang có tầm vóc, uy tín, vị thế chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay trên trường quốc tế. Việt Nam là một thị trường rất lớn, một nền kinh tế năng động trong một khu vực kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay. Việt Nam cũng đang ra sức cải cách và đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi và cạnh tranh...”, người đứng đầu Bộ KH&ĐT khẳng định.

Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi. Nhưng khó khăn, thách thức phải đối diện cũng rất lớn. Việt Nam cùng với thế giới đang chịu những tác động to lớn từ dịch Covid-19. Chúng ta đã có giải pháp kịp thời, nhanh chóng để ứng phó với đợt dịch bùng phát lần thứ nhất, giúp kết quả tăng trưởng 6 tháng đạt con số dương 1,81%. Tuy không được như kỳ vọng, nhưng đó là kết quả hết sức tích cực so với thế giới và khu vực, được các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa kịp tranh thủ lợi thế tạo ra từ việc khống chế nhanh dịch bệnh đợt 1 để phục hồi kinh tế, thì lại tiếp tục phải đối phó với đợt dịch bùng phát lần 2 từ cuối tháng 7 với diễn biến rất phức tạp. Nhiều chuyên gia đánh giá tình hình trong nước rất khó khăn, dự báo mục tiêu tăng trưởng 3 - 4% gần như bất khả thi, kể cả 2,7 - 2,8% như dự báo của Ngân hàng Thế giới cũng rất khó. Thậm chí, nếu không có giải pháp kịp thời thì để đạt được tăng trưởng dương cũng là thách thức, và Việt Nam có thể kẹt tại “bẫy kinh tế Covid-19” trong thời gian dài.

Trong thử thách mới sẽ có những cơ hội mới

Bàn về giải pháp ứng phó đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 1 hồi tháng 4 năm nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, sắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra.

Người đứng đầu Bộ KH&ĐT phân tích, về khía cạnh kinh tế, tác động của dịch và các biện pháp ngăn chặn dịch đã làm“đứt gãy” chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, đình trệ giao thương, đầu tư trên phạm vi toàn cầu; làm giảm cả cung và cầu trên thị trường thế giới. Các trật tự và mối quan hệ về đầu tư, thương mại, đối ngoại song phương, đa phương, vai trò, vị trí của các quốc gia trên trường quốc tế có nhiều thay đổi, sẽ có những quốc gia chịu thiệt hại, có quốc gia được hưởng lợi, khoảng cách phát triển có khả năng được sắp xếp lại và hình thành xuất phát điểm mới trong tiến trình phát triển của từng quốc gia.

“Bài học từ dịch Covid-19 có thể tạo ra nhận thức mới, xu hướng mới về đầu tư, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị với mục tiêu phân tán rủi ro, hạn chế tác động dây chuyền và lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện về khoa học công nghệ, môi trường sinh thái và dịch vụ y tế an toàn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang và sẽ có cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, trong đó có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn và thân thiện hơn đối với các nhà đầu tư.

Ngân hàng Thế giới nhận định, Việt Nam có thể tận dụng được một số xu hướng toàn cầu, đang được đẩy nhanh bởi Covid-19, nhằm thúc đẩy nghị trình trong nước. Chẳng hạn, trong hệ thống thương mại toàn cầu mới, Việt Nam có thể củng cố dấu ấn hiện nay của mình bằng cách gây dựng liên minh chiến lược với các quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp, đồng thời đẩy mạnh nỗ lực xúc tiến thu hút các doanh nghiệp (DN) đang có kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Covid-19 cũng đem lại cơ hội đặc thù để hướng tới nền kinh tế "không tiếp xúc”, phát triển nền kinh tế số...

“Cơ hội không gõ cửa hai lần” và cũng không tự tìm đến

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, điều cần làm là phải có sự chuẩn bị tốt để nhanh chóng đón bắt cơ hội. Lấy ví dụ từ việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch mạnh mẽ hơn do tác động của dịch Covid-19, Bộ trưởng cho rằng, dịch Covid-19 chỉ là chất xúc tác đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch, nhà đầu tư không tự đến nếu chúng ta không làm gì để có được lợi thế so sánh nổi trội hơn các thị trường khác.

Nhấn mạnh Việt Nam cần có các quyết sách đúng đắn và kịp thời, người đứng đầu Bộ KH&ĐT chỉ ra, phải đẩy nhanh việc cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng; nâng cao sức cạnh tranh… nhằm đủ sức tham gia ngay các trật tự mới, cấu trúc mới dự kiến sẽ diễn ra rất nhanh sau khi hết dịch. Không thể một lần nữa lại đứng ngoài hoặc đi sau một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra, mà phải tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững, không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát.

Trong đó, khống chế được dịch là điều kiện tiên quyết, càng sớm càng có dư địa phục hồi. Điều này không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn củng cố niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước; nâng cao uy tín, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiếp theo, cần thực hiện quyết liệt, đầy đủ các giải pháp đã ban hành tại các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm duy trì được các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tác động của dịch. Nỗ lực đó sẽ giúp gia tăng khả năng “bình phục” nhanh và bứt phá cho nền kinh tế sau khi dịch qua đi, đồng thời, gia tăng mối quan tâm của cộng đồng DN, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững.

Cần đánh giá tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng… Không chỉ thúc đẩy đầu tư công, mà phải thúc đẩy cả khu vực đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển.

Đặc biệt, trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 lần 2 đang tác động mạnh mẽ đến Việt Nam, khó dự báo trước tương lai, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, càng cần chủ động xây dựng các giải pháp trúng, đúng, kịp thời, đủ mạnh, không thể để kinh tế giảm sâu, duy trì được sản xuất ở mức độ hợp lý nhất, tranh thủ cơ hội để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.

Thành bại trông vào lửa nhiệt huyết, sự chủ động, sáng tạo

Tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói, thời điểm này đòi hỏi lãnh đạo chính quyền các cấp, các bộ, ngành phải sôi sục giải pháp, hăm hở xông pha, bởi thành bại của nền kinh tế giờ đều phải trông vào lửa nhiệt huyết. Khó khăn gấp đôi, thì nỗ lực gấp ba, gấp bốn, không vì quyền anh quyền tôi mà phải vì lợi ích chung của đất nước.

Theo tinh thần ấy, Bộ KH&ĐT đã ngay lập tức tổ chức các đoàn công tác thực địa, kiểm tra tiến độ dự án tại nhiều địa phương, làm việc với nhiều bộ, ngành, chuyên gia trong và ngoài nước để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Các cuộc làm việc diễn ra với cường độ dày đặc, không kể ngày nghỉ.

“Trong tình hình kinh tế khó khăn, cần nhanh chóng nắm sát tình hình thực tế của từng ngành, từng lĩnh vực, từng dự án, từng DN, từng địa phương, biết khó khăn ở đâu, ách tắc chỗ nào, điểm nghẽn ra sao, từ đó có giải pháp phù hợp, nhằm thực hiện ở mức cao nhất có thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của địa phương và của cả nước. Đồng thời, tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đồng thời, DN cần chủ động, tận dụng hết khả năng sáng tạo để tìm kiếm cơ hội mới trong một trạng thái thay đổi, dịch chuyển các chuỗi cung ứng như hiện nay, vươn ra thị trường nước ngoài để có thể thâu tóm các DN có công nghệ tiên tiến.

Đối với DN khu vực tư nhân, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, cần tiếp tục phát huy sức sáng tạo và linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường; dám chấp nhận rủi ro, đầu tư nâng cấp để có thể đáp ứng yêu cầu của đối tác, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.

Đối với các tập đoàn, DN lớn, cần tăng cường nội lực, liên tục đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò đầu tàu, ưu tiên tạo cơ hội cho các DN nhỏ và vừa trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị của mình; cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn lớn với mục tiêu thiết lập vị thế mới của thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước.

Đối với DN FDI, cần xác định là một thành phần không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nhưng cũng yêu cầu các DN FDI xây dựng mối quan hệ tương hỗ với các thành phần DN khác trong nước với phương châm cùng lớn mạnh, cùng phát triển; tăng cường liên kết với DN trong nước để tạo dựng hệ sinh thái DN hiệu quả, bền vững.

Không quên nuôi dưỡng khát vọng làm lớn

Một trong những điều mà người đứng đầu ngành KH&ĐT luôn đau đáu, đó là 75 năm sau ngày thành lập nước và 45 năm sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam vẫn chưa có đường cao tốc kết nối hết chiều dài đất nước. Trong khi đó, đây là tuyến đường huyết mạch, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Vì thế, khi tư vấn cho các địa phương trong xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn sau, nên ưu tiên dồn nguồn lực cho những dự án, chương trình có tác động sớm và mạnh đến sự phát triển, đầu tư phải “ra tấm ra món”, không “trải mành mành”...

Chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề cập đến khát vọng “làm lớn”, trong 5 năm tới cần lựa chọn và ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư dứt điểm những dự án hạ tầng lớn, có tính đột phá và sức lan tỏa cao cho cả nền kinh tế. Trong đó, cần ưu tiên hoàn thành sớm trục xương sống cao tốc Bắc - Nam phía Đông trong 5 năm tới và phải thông luôn đoạn tuyến từ Hữu Nghị Quan đến Cà Mau, chứ không dừng lại ở Cần Thơ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tuyến đường huyến mạch này sẽ giúp cho hơn 60% dân số Việt Nam được hưởng lợi, tạo ra động lực kinh tế to lớn.

Kết cấu hạ tầng là điều kiện quan trọng, là đường băng cho nền kinh tế tăng tốc, bứt phá trong tương lai. Sự thay đổi trong tư duy lập kế hoạch đầu tư công, với khát vọng làm lớn, thoát khỏi tư duy ăn đong, với những dự án thực sự “ra tấm, ra món” ấy đem đến nhiều hy vọng cho tương lai.

Không chỉ kết cấu hạ tầng, trong xây dựng mục tiêu Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh việc đặt mục tiêu lớn, khát vọng lớn, không chọn phương án bình bình. Bởi lẽ theo Bộ trưởng, để có thể phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới, cần có tư duy táo bạo, khát vọng cao và tầm nhìn chiến lược. Khi có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, chúng ta sẽ có hành động hiệu quả, chọn được con đường đi đúng nhất, ngắn nhất để tăng tốc phát triển.

Chuyên đề